Ở vào độ tuổi 75, ông Đồng Sơn, thị trấn Cát Thành vẫn cần mẫn với công việc làm bánh rang như hàng trăm người dân khác ở nơi đây. Ông được xem là một trong số ít những người cao niên nhất thị trấn Cát Thành (xưa là làng Cát Chử) còn làm và giữ gìn nghề truyền thống. Theo chân ông Đồng Sơn vào xưởng làm bánh, nghe ông nói về quy trình làm ra một mẻ bánh rang mới thấy hết được sự cầu kỳ của loại bánh đặc biệt, duy nhất chỉ có ở Nam Định. Điều đặc biệt của loại bánh này không chỉ nằm ở việc trộn lẫn giữa nguyên liệu là gạo nếp và khoai sọ giúp làm tăng độ mềm, dẻo, bùi của bánh mà nó còn nằm ở các công đoạn làm ra chiếc bánh.
Ông Đồng Sơn là một trong số ít người còn làm bánh rang ở Cát Thành. |
Ông Đồng Sơn cho hay, rất nhiều người không chỉ người dân ở làng mà cả người trong và ngoài tỉnh đã đến tận nhà ông cả tháng để học làm bánh nhưng phần lớn đều thất bại. Bởi lẽ chỉ cần trộn sai tỉ lệ nguyên liệu hoặc có khi là do người làm nghề chưa thành thạo, thiếu bí quyết, kinh nghiệm sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng bánh làm ra bị nhạt, bị hôi, khô và sạn.
Theo ông Đồng Sơn, để làm ra được một chiếc bánh rang với lớp vỏ bằng vừng trắng đều, không quá dày, cầm trên tay thấy xốp, ăn vào thấy mềm, thơm, ngậy, bùi, đòi hỏi người làm bánh phải rất kiên trì, nhẫn nại và quá trình làm bánh phải có độ chính xác cao. Để hoàn thành một chiếc bánh rang phải trải qua rất nhiều công đoạn và qua nhiều ngày. Đầu tiên, gạo nếp sau khi được lựa chọn kỹ sẽ cho vào ngâm nước qua đêm khoảng 10 tiếng, sau đó vớt gạo ra cho vào những chiếc nồi hơi lớn để đồ lên. Trước khi được đồ, gạo đã được trộn với khoai sọ nghiền nhỏ với một tỉ lệ vừa phải, nếu tỉ lệ không chuẩn, cả mẻ bánh sẽ bị hỏng.
Nói về lí do cho khoai sọ nghiền vào cùng với gạo, ông Đồng Sơn cho biết: Chất nhựa trong khoai sọ sẽ giúp gạo sau khi được đồ lên dẻo hơn và bánh sau khi được làm sẽ mềm hơn. Sau khi đồ lần 1, cơm được đổ ra, để cho thật nguội rồi sau đó lại cho trở lại vào nồi hơi đồ lên một lần nữa để đạt tới độ dẻo nhất định. Lúc này, cơm được đổ ra ngoài, để nguội, dàn thành mảng lớn và được cắt thành những miếng bánh rang nhỏ hình chữ nhật, hình vuông, hình bầu dục... kích thước to, nhỏ tùy vào chủ ý của người làm bánh và nhu cầu của khách hàng. Sau thời gian phơi từ 3 - 4 lần nắng (mỗi lần khoảng 2 giờ) bánh phải được cất đi từ 3 - 4 ngày, sau đó mới được đem ra rán nổi trong mỡ rồi trộn bánh với mật trưng và cuối cùng là lăn trong vừng để tạo lớp vỏ bánh hoàn chỉnh.
Ông Đồng Sơn cho biết, công đoạn phơi nắng rất quan trọng, quyết định rất lớn đến độ mềm và thời hạn sử dụng của bánh. Bánh tốt nhất phải được phơi bằng nắng tự nhiên, không nên sử dụng điện nhân tạo để sấy bánh. Phơi bằng nắng tự nhiên cũng phải chú ý không được phơi lúc trời nắng quá hoặc quá mát, thường thì một ngày chỉ có thể phơi vào 2 thời điểm là nắng buổi sớm và nắng lúc xế chiều vì lúc này nắng nhẹ, không gay gắt, giúp cho bánh ngon hơn.
Theo ông Đồng Văn Nhân, một người làm bánh ở thị trấn Cát Thành, bánh rang xưa kia chỉ có nhà giàu mới có điều kiện để làm hoặc mua bánh rang để thưởng thức. Bánh thường được dùng nhiều vào dịp Tết, ăn cùng với bánh chưng hoặc dịp lễ hội đầu năm. Đến nay, sau hàng trăm năm từ khi cụ tổ của làng đem nghề từ Hải Dương về đây, trải qua bao thăng trầm, người dân nơi đây hiện vẫn làm nghề, giữ nghề làm bánh rang và phát triển nghề ngày càng mạnh hơn. Các sản phẩm của làng nghề hiện được xuất đi trong và ngoài nước, trở thành món quà quê ngày Tết đặc biệt là dịp lễ hội đầu năm.
Chủ cửa hàng Hồng Thơm, thị trấn Cát Thành chia sẻ: "Tết ra là thời điểm khách hàng mua bánh nhiều nhất để phục vụ cho các lễ hội đầu năm. Gia đình tôi mỗi ngày xuất bán đi ít nhất từ 30 - 40 tạ bánh. Bánh rang là loại bánh dễ ăn, mang nét đặc trưng của hương vị quê hương nên rất được ưa chuộng. Ai về Nam Định tiện đường đều ghé qua Cát Thành mua bánh, vừa để ăn vừa để làm quà cho người thân, bạn bè".