Để hoạt động xuất bản đi đúng "đường ray":Cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng

Kể từ khi Luật Xuất bản ra đời năm 2004, và đặc biệt sau Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008, hoạt động xuất bản đã có những bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.


 

Cần một hành lang pháp lý đủ chặt để đưa hoạt động xuất bản vào khuôn khổ. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, thì những tồn tại, mặt trái của lĩnh vực in và xuất bản, như tình trạng in lậu, in nối bản xuất bản phẩm, tình trạng kém chất lượng của những xuất bản phẩm... cũng ngày càng nhức nhối.


Chính vì vậy, để ngành xuất bản đi vào khuôn khổ, phát huy được những mặt tích cực, và hạn chế được những tiêu cực, tồn tại... rất cần những thay đổi trong Luật Xuất bản trong thời gian tới...

 

Nhiều nhưng không "tinh"


Luật Xuất bản ra đời năm 2004 và đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008, với sự thông thoáng hơn của các thủ tục in ấn, phát hành đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển. Tuy nhiên, chính sự thông thoáng này cũng dẫn tới việc hàng loạt những tồn tại trong lĩnh vực xuất bản có cơ hội bùng phát.


Tình trạng "mở cửa" trong việc cấp phép và sự bùng nổ của hoạt động liên kết xuất bản đã là "tác nhân" khiến sách lậu với chất lượng kém, bị cắt xén, sai lệch nội dung... ngày càng tràn lan, gây ảnh hưởng lớn đến bạn đọc. "Vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đã khiến chất lượng các xuất bản phẩm vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và của chính các nhà xuất bản (NXB). Do buông lỏng quản lý, không tuân thủ đúng quy trình biên tập và đọc duyệt bản thảo, duyệt phát hành, không thể giám sát đối tác liên kết, thậm chí phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác quyết định... nên việc các đối tác liên kết tự tăng số lượng in, không nộp lưu chiểu, thậm chí thay đổi tên và nội dung bản thảo… đã xảy ra. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số xuất bản phẩm sai sót về nội dung và hình thức nhưng vẫn được phát hành như cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh” của NXB Mỹ thuật, “IQ- Hỏi đáp nhanh trí” của NXB Thời đại, “Hồn sử Việt - Các truyền thuyết, giai thoại nổi tiếng” của NXB Lao Động, “Kỳ nữ” của NXB Hội Nhà văn, “Đạo kỷ nguyên mới” của NXB Đồng Nai..."- một lãnh đạo ngành xuất bản cho biết.


Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng số lượng các NXB do việc mở rộng đối tượng và điều kiện được phép thành lập NXB cũng khiến ngành xuất bản có những bất cập. Từ con số 45 NXB (năm 2004), đến nay đã lên tới 64 NXB (năm 2011). Năm 2004, cả nước chỉ có trên 160 cơ sở in công nghiệp, sau khi quá trình xã hội hóa hoạt động in ấn, đến nay đã có 1.500 cơ sở in công nghiệp lớn, nhỏ. "Số lượng các cơ sở in gia tăng, nhưng điều đáng nói là việc quản lý đối với các cơ sở in lại không cùng một khung pháp lý thống nhất. Trong số 1.500 cơ sở in thì chỉ có khoảng 400 cơ sở chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản và Nghị định 105/2007/NĐ-CP của Chính phủ, 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in, bởi những cơ sở này không tham gia in xuất bản phẩm, báo chí, tem chống giả, nên họ chỉ cần đăng ký kinh doanh ngành nghề in theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp là được hoạt động. Đây chính là kẽ hở, dẫn tới việc quản lý 1.100 cơ sở in này gần như bị buông lỏng. Bởi vậy, tình trạng in lậu, in nối bản ngày càng bùng phát"- vẫn lãnh đạo này cho biết.


Trong báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều nhà sách, đại lý bày bán sách không rõ nguồn gốc, tạo điều kiện cho in lậu, in nối bản gia tăng, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của ngành xuất bản và người tiêu dùng. Các chợ sách lậu, sách không rõ nguồn gốc xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động xuất bản và thị trường kinh doanh xuất bản phẩm chưa được tiến hành thường xuyên, chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm hoặc xử lý chưa đủ sức răn đe, nên nạn in lậu vẫn chưa được ngăn chặn.


Quản lý bằng cách nào?


Hầu hết ý kiến của những người hoạt động trong ngành xuất bản đều nhất trí rằng, để quản lý tốt hoạt động xuất bản, cũng như hạn chế tình trạng kinh doanh và sản xuất sách lậu, sách giả... cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, từ an ninh văn hóa, quản lý thị trường đến các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
"Dẹp nạn sách lậu không phải là việc không thể làm được, bởi các cơ sở in lậu muốn hoạt động được thì cũng phải có trụ sở. Nếu chính quyền địa phương, thanh tra liên ngành giám sát chặt chẽ thì sẽ phát hiện được các địa điểm in lậu này. Và khi phát hiện, tùy theo cấp độ vi phạm, cần xử phạt theo đúng pháp luật. Ngoài ra, nếu tái phạm thì ngoài việc phạt tiền thật nặng, cần có chế tài đi kèm như rút giấy phép, xử lý hình sự... Nếu làm được như vậy, vấn nạn sách lậu chắc chắn sẽ được dẹp", ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc NXB Thông tấn, cho biết.


Còn theo ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thì nguyên nhân chính dẫn tới những tồn tại của ngành xuất bản chính là việc các NXB yếu kém về năng lực tài chính. Thực tế hiện nay, các NXB không được Nhà nước hay các cơ quan chủ quản hỗ trợ, nên tình trạng thiếu vốn là khá phổ biến. "Bình quân hiện nay một NXB chỉ có khoảng 2 tỷ đồng tiền vốn. Trong khi làm một cuốn sách đã mất hàng trăm triệu, nhưng lại phải mất khoảng 2 năm hoặc lâu hơn nữa mới thu hồi được vốn. Vậy nên hầu hết các NXB đều gặp khó khăn nếu không liên doanh, liên kết" - ông Kiểm cho biết. Ông Kiểm đưa ra dẫn chứng: Mỗi năm, 60 NXB của Việt Nam lãi khoảng 20 tỷ đồng, nếu chia trung bình, mỗi NXB lãi khoảng 300 triệu đồng/năm, con số này là vô cùng èo uột. Và để giải quyết khó khăn này, buộc NXB nào cũng phải gồng mình làm nhiều đầu sách hơn, dẫn tới việc có những vi phạm trong hoạt động xuất bản như không đảm bảo được chất lượng của sách, buông lỏng quản lý với những đơn vị liên kết, thậm chí là bán giấy phép.


Theo ông Kiểm, để giải quyết khó khăn này cho các NXB, cần phải có những hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như đơn vị chủ quản. Trên thực tế, ngành xuất bản Việt Nam vẫn đang phải thực hiện hai nhiệm vụ song hành là xuất bản sách cho thị trường và xuất bản những đầu sách phục vụ mục đích chính trị. Và lâu nay, các NXB vẫn đang phải thực hiện phương thức: Lấy lãi của hoạt động xuất bản "thị trường" để bù lỗ cho những ấn phẩm phục vụ mục đích chính trị. Đây thực sự là một bất cập cho hoạt động xuất bản. Theo ông Kiểm, để gỡ khó cho ngành xuất bản, nên thực hiện theo phương thức: Đối với các sản phẩm sách thị trường thì NXB sẽ tự chịu trách nhiệm về vốn, nhưng đối với sách phục vụ mục đích chính trị, nuôi dưỡng trí tuệ, nâng cao trình độ cho người Việt Nam thì Nhà nước nên đặt hàng hoặc có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp gỡ khó cho ngành xuất bản. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì dù Luật Xuất bản có thay đổi nhiều lần cũng không đi vào cuộc sống và cũng không tháo gỡ được khó khăn cho ngành xuất bản.


Để hoạt động xuất bản đi vào khuôn khổ và "xóa bỏ" những “con sâu” vẫn tồn tại lâu nay, khiến ngành xuất bản ngày càng "mang tiếng xấu", cần một hành trình dài tiếp theo, với sự nỗ lực của cả người trong cuộc và người ngoài cuộc. Tuy nhiên, dẫu khó và sẽ mất nhiều thời gian thì đây vẫn là việc phải làm. Có lẽ chính vì vậy, Luật Xuất bản là một trong những luật được Quốc hội thảo luận rất kỹ trong kỳ họp này. Hy vọng, với những sửa đổi của luật trên cơ sở thực tế của ngành xuất bản, Luật Xuất bản mới ra đời sẽ góp phần xây dựng một hành lang pháp lý đủ thoáng nhưng cũng đủ chặt cho hoạt động xuất bản đi vào khuôn khổ.

 

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN