Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng: "Cổng" không được lấn át "nhà

Ngay sau khi Báo Tin tức có bài viết "Về thiết kế cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch bác phương án đề xuất", rất nhiều KTS và người trong giới đã có những ý kiến đóng góp về phương án thiết kế cổng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Báo Tin tức xin giới thiệu ý kiến trao đổi của KTS- nhà báo Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam.

Có thể nghiên cứu những cổng chùa như chùa Láng (Hà Nội) để tham khảo. Ảnh: CTV

"Theo quan điểm của tôi, đây là cổng để đón khách vào với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, chứ không phải là công trình nằm trong hạng mục của di sản. Vì đây là một cổng đón, nên phải nghiên cứu kỹ để đưa ra một phương án kiến trúc phù hợp, không nên quá đồ sộ, lấn át các công trình chính. Công trình này nên mang tính thân thiện, gợi mời du khách khi đến với Khu di tích. Và phải xác định rõ, du khách đến đây là đến thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng, chứ không phải đến thăm cổng chào này.

Tôi đã nghiên cứu bản thiết kế của Công ty TNHH tư vấn và xây dựng T.A.T, theo đánh giá của tôi, bản thiết kế này nếu đứng độc lập thì là một thiết kế tốt về tỉ lệ, hình khối. Tuy nhiên, khi xét nó là cổng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng thì nó lại quá nặng nề, cầu kỳ về trang trí, nên sẽ dẫn đến việc lấn át những công trình kiến trúc bên trong. Như chúng ta đã thấy, các công trình của Khu di tích Đền Hùng, từ Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng... đều có kiến trúc nhỏ nhắn, phù hợp với thời đại Hùng Vương và phù hợp với cảnh quan chung nơi đây. Đồng thời cũng phù hợp với những di sản kiến trúc chung của Việt Nam, là nhỏ nhắn, không đồ sộ, cầu kỳ.

Cần cân nhắc kỹ khi chọn phương án kiến trúc, để khi xây dựng tránh được tình trạng nặng nề. Bản thiết kế của Công ty TNHH tư vấn và xây dựng T.A.T, đúng như nhận xét trong công văn của Bộ VH, TT &DL, nó giống như cổng thành, nặng nề, phô trương, không phù hợp với cảnh quan xung quanh. Và nếu theo phương án thiết kế này, công trình cổng sẽ lấn át cả khu di tích".

´Vậy theo ông, kiến trúc cổng chính khu di tích nên có những yếu tố gì?

Kiến trúc cổng vào, theo tôi không cần quá nệ cổ. Vì đây là một công trình có tính chất "đón tiếp, dẫn dắt", vì vậy nên thiết kế cho đúng với ý nghĩa đó. Cổng nên có quy mô vừa phải, không cần quá nệ cổ nhưng cũng không nên là một kiến trúc quá hiện đại. Và đặc biệt phải không lấn át các kiến trúc di sản, nói nôm na thì "cổng" không thể lấn át "nhà" được. Kiến trúc cổng ở đây cũng không nên lấn át kiến trúc của Khu di tích.

Theo tôi, để xây dựng kiến trúc cổng chính khu di tích, nên lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học xã hội, các nhà sử học, dân tộc học... để có thể đưa ra một phương án phù hợp nhất, đảm bảo được những giá trị kiến trúc, nhưng đồng thời tôn vinh được văn hóa dân tộc.

´Có những ý kiến đưa ra về việc xây dựng cổng với những cột trụ biểu, theo hướng kiến trúc "mở", ông đánh giá như thế nào về phương án này?

Theo tôi, đây cũng là một hướng thiết kế. Hoặc có thể xây dựng như cổng làng, cổng đình, cổng chùa... Theo tôi, nên xây dựng như cổng đình với những trụ biểu, mang tính ước lệ cao. Thiết kế cổng không nên là cửa đóng then cài, mà nên là thiết kế mở để thể hiện được sự thân thiện, đón chào.

Có thể nghiên cứu những cổng chùa như cổng chùa Láng (Hà Nội), hoặc các cổng đình... để tham khảo, từ đó cách điệu lên thành một thiết kế mang tính biểu tượng cao.

P.V (ghi)

Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bác phương án đề xuất
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bác phương án đề xuất

Báo Tin tức ra ngày 22/2, trang 10 có bài viết "Thiết kế cổng chính vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Chưa ổn", đề cập đến Dự án "Cổng chính thuộc dự án Trung tâm lễ hội (giai đoạn 2) Khu di tích lịch sử Đền Hùng"...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN