Đó là thông tin được ghi nhận tại buổi tọa đàm “Khung khổ pháp lý quản lý TLTHM” được tổ chức bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hôm 18/8, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm Khoa Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Quân y 175, bày tỏ quan điểm: “Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hiện rất phổ biến trên thị trường, đặc biệt là với giới trẻ. Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn có những lợi ích trên một số đối tượng cụ thể. Chúng ta nên có khung pháp lý đồng bộ và đồng thời để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Từ đó, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo sức khoẻ.”
Theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, xét dưới góc độ pháp lý Việt Nam hiện hành, các sản phẩm TLTHM dù sản xuất từ thuốc lá hay từ các nguyên liệu thay thế khác thì đều là thuốc lá, đều phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (2012). Vì vậy, Việt Nam nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế để sớm đưa các sản phẩm TLTHM vào quản lý đồng bộ dưới cùng một khung pháp lý mà không cần bước thí điểm.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế đưa ra kết luận: “Các sản phẩm TLTHM cần được quản lý một cách đồng bộ, đồng thời dưới một khung pháp lý toàn diện nhằm giải quyết dứt điểm cho những bất cập hiện nay. Chính sách quản lý hiệu quả sẽ giúp hạn chế tác hại về sức khoẻ, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng”.
Tại buổi tọa đàm các chuyên gia đã bày tỏ sự đồng thuận và phân tích những tác động tích cực của việc sớm quản lý TLĐT và TLLN đồng bộ và cùng một thời điểm mà trong đó tác động tích cực nhất là bảo vệ sức khỏe người dùng và cộng đồng. Điều này cũng đồng thời hướng tới việc xây dựng một thị trường minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp.