VietinBank: Hài hòa lợi ích nền kinh tế và nhà đầu tư

Với việc triển khai có hiệu quả Phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch kinh doanh trung hạn 2018 - 2020, VietinBank đã có 3 bước đột phá quan trọng là đổi mới mô hình tăng trưởng,  phương thức kinh doanh và quản trị chi phí hiệu quả. 

Chú thích ảnh
Không chỉ cung ứng đủ vốn, VietinBank đã liên tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Hoàng Trang.

Bước đột phá về chất lượng hoạt động

Báo cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 cho biết: Kết thúc năm 2019, hoạt động kinh doanh của VietinBank đạt được kết quả toàn diện, giữ vững vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, trụ cột, chủ lực của nền kinh tế, tiên phong thực hiện các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Năm 2019, VietinBank đã kiện toàn hoạt động 11 khối nghiệp vụ. Hoạt động kinh doanh chuyển đổi mạnh mẽ từ dựa vào tăng trưởng quy mô tín dụng là chủ yếu sang đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hiệu quả, trên cơ sở nền tảng ngân hàng hiện đại. Động lực và sức mạnh nội tại của hệ thống được củng cố với việc thúc đẩy phát triển văn hóa doanh nghiệp kết hợp cùng việc triển khai “Chương trình 6 hóa” (tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, tối ưu hóa, tư động hóa, cá thể hóa trách nhiệm và hợp tác hóa).

Đặc biệt, với việc tăng trưởng quy mô hợp lý đi đôi với kiểm soát chất lượng tăng trưởng, cơ cấu dư nợ, hiệu quả kinh doanh, cơ cấu thu nhập của VietinBank năm 2019 được cải thiện mạnh mẽ, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ đề ra. Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank tăng 6,6% đạt 1,24 triệu tỷ đồng; dư nợ tăng 7,3% so với năm 2018, đạt 953 nghìn tỷ đồng. Chất lượng tín dụng kiểm soát chặt chẽ theo đúng các giới hạn an toàn của NHNN, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2%. 

Lợi nhuận trước thuế (LNTT) riêng lẻ năm 2019 đạt 11.461 tỷ đồng, tăng 85% so với năm 2018, đạt 127% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 79,6% so với năm 2018 đạt 124% kế hoạch năm. “LNTT tăng cao là kết quả của việc gia tăng hiệu quả hoạt động theo đúng định hướng thông qua tái cơ cấu danh mục cho vay, nâng cao hiệu quả danh mục tài sản có sinh lời đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu dịch vụ, thu từ kinh doanh ngoại tệ và đầu tư chứng khoán”, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết. 

Cụ thể: Hiệu quả sinh lời từ lãi được cải thiện đáng kể với mức Nim tăng lên 2,8% so với mức 2% của năm 2018. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 37,4% đạt tỷ trọng gần 12% tổng thu nhập hoạt động. Doanh số và thị phần kinh doanh ngoại hối đứng hàng đầu thị trường liên ngân hàng và thị trường số 1. Đồng thời chi phí hoạt động được kiểm soát hiệu quả, chi phí hoạt động hợp nhất tăng 11,7% thấp hơn tốc độ tăng 42,4% của thu nhập hoạt động. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động CIR năm 2019 tiếp tục giảm về mức 38,8% thấp nhất 10 năm qua.

Chất lượng hoạt động và năng lực tài chính tăng là nền tảng để VietinBank tiếp tục giữ vững vai trò là ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện các chính sách của Chính phủ và NHNN. Không chỉ cung ứng đủ vốn và đáp ứng các dịch vụ tối ưu cho người dân và doanh nghiệp, năm 2019, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay và luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường. Tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ngành nghề, doanh nghiệp có lợi thế và tiềm năng phát triển thuộc đối tượng được Chính phủ và NHNN khuyến khích. 

Đặc biệt dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, các giải pháp ngân hàng toàn diện mà VietinBank đã phát triển cho các khách hàng từ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan nhà nước như: Kho bạc Nhà nước, Thuế, Hải quan… đã góp phần tiết giảm chi phí và gia tăng cơ hội cho người dân và doanh nghiệp

Tiền đề để tăng tốc

Bước sang năm 2020, dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Sự đứt gãy chuỗi giá trị và đình đốn sản xuất do nhu cầu người dân trong nước và quốc tế hạ xuống mức tiêu dùng tối thiểu đã lan rộng khó khăn ra hầu hết các ngành hàng, doanh nghiệp trong nền kinh tế đặc biệt xuất nhập khẩu. Hoạt động cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng nói chung và VietinBank cũng bị trì trệ theo. 

 “Việc hi sinh một phần thu nhập của VietinBank trong giai đoạn này là hành động cần thiết phải thực hiện, thực hiện đúng vai trò đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ của ngành ngân hàng đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân theo đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN đồng thời thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cộng sinh cùng nhau vượt khó và phát triển của doanh nghiệp và ngân hàng”, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ nói.

Kết quả của sự chia sẻ này dự kiến  làm giảm lợi nhuận của VietinBank trong năm 2020. Song bức tranh hoạt động tổng thể của VietinBank quý I/2020 cũng cho thấy những điểm tựa để ngân hàng có thể phục hồi tốc độ tăng trưởng bứt phá sau dịch như cơ cấu khách hàng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của phân khúc có hiệu quả sinh lời cao như bán lẻ và SMEs chiếm tỷ trọng khoảng 56% tổng dư nợ (năm 2018 chỉ chiếm 49%).

Tổng thu nhập hoạt động của VietinBank đạt 10.685 tỷ đồng, tăng 10,93% so với cùng kỳ năm 2019. Cơ cấu thu nhập từng bước được cải thiện, tỷ trọng thu ngoài lãi đã tăng từ 20% lên 23% tổng thu nhập hoạt động. Lũy kế 3 tháng năm 2020, thu nhập ngoài lãi (bao gồm cả bảo lãnh) của VietinBank đạt 2.462 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế 3 tháng năm 2020 đạt 2.974 tỷ đồng. 

Hơn thế, hiệu quả quản trị chi phí của VietinBank liên tục cải thiện sau bứt phá năm 2019. Mặc dù phải tập trung cho hoạt động phòng dịch và hỗ trợ DN nhưng chi phí hoạt động chỉ tăng 2,5% so cùng kỳ 2019, tỷ lệ CIR đã giảm xuống mức 31% trong quý 1/2020. Đây là mức thấp nhất của VietinBank từ trước tới nay và cũng là mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng.

Về chỉ tiêu lợi nhuận, VietinBank đang trình NHNN và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 bảo đảm hiệu quả kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh trên cơ sở tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch COVID-19 dựa trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. 

Trong đó, mô hình tăng trưởng sẽ tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ, với các giải pháp kinh doanh mới mang tính đột phá như phát triển các chuỗi liên kết theo hướng thực tế, chặt chẽ và hiệu quả, cung cấp tổng thể giải pháp dịch vụ tài chính cho từng khách hàng, nhóm khách hàng, phát triển các dịch vụ hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán. Đồng thời kiện toàn mô hình tổ chức, khai thác các địa bàn kinh tế trọng điểm của cả nước; các lĩnh vực trong chiến lược phát triển ngành và vùng kinh tế của VietinBank.

VietinBank cũng sẽ tiếp tục bám sát phương án tăng vốn điều lệ, khai thác tối đa vốn tự có từ lợi nhuận tích lũy nội bộ, chia cổ tức bằng cổ phiếu, đề xuất phát triển các kênh tăng vốn mới, phát hành trái phiếu thứ cấp cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư góp vốn.

Đây sẽ là nền tảng để ngay sau khi dịch bệnh kết thúc, VietinBank có thể phục hồi mạnh mẽ cùng chiến lược phát triển của mình đến năm 2030 cùng kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021 - 2023; giữ vững vai trò NH chủ lực, trụ cột trong nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cũng như vươn lên tầm khu vực đáp ứng nhu cầu hội nhập. 

 

(Tin tức/TTXVN)
VietinBank tăng vốn để hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II
VietinBank tăng vốn để hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn Basel II

Đến thời điểm hiện tại VietinBank đã đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình, quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều kiện “đủ” để một NHTM có thể đáp ứng được Basel II là có mức vốn tự có phù hợp với quy mô tăng trưởng tổng tài sản trong đó có tăng trưởng tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN