Những năm qua Quảng Ninh đã sự chuyển mình từ “nâu” sang “xanh” rõ rệt, đây hẳn là một chặng đường nhiều thách thức phải không thưa ông?
Đúng vậy! Để chuyển từ “nâu” sang “xanh” không hề đơn giản.
Từ năm 2012, Quảng Ninh đã bắt đầu “thay đổi tư duy” phát triển. Đây là thời điểm mà tỉnh tập trung tổng kết thực tiễn và đánh giá kỹ tiềm năng, thế mạnh; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Đặc biệt, Quảng Ninh đã tập trung xây dựng, thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược, đó là kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải cách hành chính và đổi mới, phát triển nguồn nhân lực...
Thời điểm đó, thu ngân sách của tỉnh 70% từ than, chỉ 20% từ sản xuất kinh doanh, 10% từ đất. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo của Quảng Ninh đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế mới là hạn chế khai thác than, chuyển sang kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Đó là tư duy đột phá, sau nhiều trăn trở, dù gặp phải không ít thách thức. Bởi lẽ, than đã trở thành truyền thống và máu thịt của lớp lớp thế hệ người dân đất mỏ. Hơn nữa, lúc bấy giờ, tư duy khai thác than và nguồn thu từ than còn rất lớn.
Tuy nhiên, làm sao để thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư khi thực hiện chiến lược mới? Doanh nghiệp lo ngại nhất hai thứ là thủ tục hành chính và thuế. Chúng ta không thể biến Việt Nam trở thành thiên đường thuế thì chỉ còn cách đơn giản hóa thủ tục hành chính. Và điều đó đã được giải quyết ở Quảng Ninh.
Khi thu hút được doanh nghiệp tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế xanh, Quảng Ninh đã dần giải quyết được vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Đây là bước ngoặt để du lịch Quảng Ninh phát triển.
Kéo theo đó là sự chuyển dịch và thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển từ công nghiệp khai khoáng sang nền kinh tế dịch vụ du lịch. Nhìn chung, đây là một hướng đi đúng đắn.
Thành công lớn hơn là công cuộc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp của Quảng Ninh đã trở thành hình mẫu cho các địa phương khác cùng nghiên cứu và áp dụng.
Ông đánh giá ra sao về vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của Quảng Ninh?
Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay là nhờ đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách hành chính và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Đối với các doanh nghiệp của địa phương, quá trình cổ phần hoá diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt, với sự tham gia vào các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn từ bên ngoài như Sun Group, Vingroup, Geleximco… Quảng Ninh đã trở thành nơi hội tụ nguồn lực phát triển, trở thành hình mẫu trong việc khai thác và phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm và trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân. Chính các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh như Sun Group, với những dự án táo bạo, góp phần thay đổi diện mạo du lịch và hạ tầng Quảng Ninh một cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Quảng Ninh còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, điển hình là Móng Cái và Vân Đồn. Và đó cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân lớn đến và tiếp tục đồng hành cùng Quảng Ninh.
Vừa rồi trục cao tốc Vân Đồn – Móng Cái khai trương, theo ông tuyến cao tốc này sẽ mở ra cơ hội phát triển như nào cho Quảng Ninh?
Đây là tuyến đường kết nối với Trung Quốc nên chắc chắn du lịch sẽ phát triển, do được thụ hưởng lượng khách lớn từ Trung Quốc sang Quảng Ninh. Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối ba sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), ba khu kinh tế, ba cửa khẩu quốc tế. Tuyến đường sẽ mở rộng các không gian kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Trong tương lai gần, sân bay này có thể kết nối Quảng Ninh với toàn thế giới.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tạo sự kết nối đặc biệt với Sân bay Vân Đồn. Khi đó, sẽ thu hút du khách, các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh, góp phần phát triển tiềm năng du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Tôi kỳ vọng tuyến đường này sẽ góp phần “đánh thức” tiềm năng của vùng đất hoang sơ Móng Cái – Vân Đồn nếu như chúng ta có cách làm bài bản và thu hút được các doanh nghiệp tư nhân lớn, chuyên nghiệp. Đặc biệt, cần tiếp tục vận dụng hiệu quả mô hình hợp tác công tư (PPP), thu hút vốn tư nhân.
Đầu tư hạ tầng để mở đường cho phát triển du lịch và kinh tế là "chìa khóa" thành công của Quảng Ninh. Nhưng làm sao để Quảng Ninh có thể phát triển hạ tầng nhanh và đồng bộ đến vậy, thưa ông?
Đó là phương châm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Kiên định thực hiện phương châm đó không chỉ giúp Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng và du lịch, và còn nâng tầm trải nghiệm cho điểm đến.
Quảng Ninh ngày nay là địa phương có thu ngân sách rất lớn, thuộc top đầu của cả nước. Tỉnh phát triển công nghiệp tư nhân trước và đến thời điểm hiện tại, thương mại, dịch vụ là lĩnh vực tạo ra nguồn thu lớn nhất. Trên cơ sở đó, tỉnh cân đối được nguồn vốn đối ứng để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng.
Khi doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra sẽ phải hướng tới lợi ích cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ như Sun Group làm tuyến đường cao tốc với lợi ích dài hạn gắn với sân bay và phát triển kinh tế du lịch. Sự sáng tạo và đột phá của Quảng Ninh là mạnh dạn dùng vốn nhà nước để cùng doanh nghiệp tư nhân tạo ra mức độ lan toả lớn, hài hòa lợi ích chung giữa nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và người dân.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!