Những năm đầu thành lập Vietsovpetro, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết, một cường quốc về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, với tư cách là 1 bên tham gia, đã thổi vào Liên doanh này luồng gió mới vào hoạt động sáng tạo. Khi Vietsovpetro bắt đầu đi vào hoạt động, Liên doanh cũng chính thức triển khai công tác sáng kiến sáng chế theo Quyết định số 20 ngày 19/3/1983.
Trong quá trình thực hiện, nội dung của Quy chế sáng kiến-sáng chế luôn được cập nhật, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với văn bản pháp luật và điều kiện thực tế, cụ thể: “Quy chế về hoạt động sáng kiến, sáng chế và giải pháp hữu ích trong Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro” phiên bản 1 được cập nhật và phê duyệt ngày 19/05/2011. Phiên bản này sau đó được sửa đổi và bổ sung ở 8 mục. Sau đó Quy chế được ban hành lần 2 với mã hiệu là VSP-000-KTSX-601 và có hiệu lực từ ngày 15/8/2014. Từ đó đến hay hoạt động sáng kiến, sáng chế của Vietsovpetro thực hiện nghiêm ngặt theo Quy chế này.
Tại Việt Nam, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó có nội dung chính là “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một trong những nội dung cần được ưu tiên tập trung trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương; căn cứ điều kiện thực tế và kết quả thực thực hiện của hoạt động sáng kiến, sáng chế của Vietsovpetro, để tiếp tục lãnh đạo các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ tăng cường trách nhiệm và tạo điều kiện hỗ trợ nhằm thúc đẩy, khuyến khích các tập thể, cá nhân CBCNV tích cực tham gia phong trào sáng kiến, sáng chế, ngày 12/05/2015 Đảng ủy Vietsovpetro đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU “Về đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro giai đoạn 2015-2020”.
Kế thừa và phát huy những thành tích đã đạt được của các năm trước đây, hoạt động sáng kiến sáng chế của Vietsovpetro trong giai đoạn 2016-2021 tiếp tục phát triển mạnh mẽ và thực sự đã mang lại lợi ích thiết thực cho các tác giả/đồng tác giả sáng kiến, sáng chế, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất-kinh doanh được Hội đồng hai phía giao cho Vietsovpetro hàng năm.
1. Về hoạt động sáng kiến: Trong giai đoạn từ 2016 đến nửa đầu năm 2021, có 811 giải pháp đăng ký sáng kiến của CBCNV thuộc 13 đơn vị trong Vietsovpetro đã được xem xét, với kết quả như sau:
- 547 giải pháp được công nhận là sáng kiến, chiếm 67.45 % tổng số đơn đăng ký sáng kiến đã được xem xét.
- Đã đưa vào áp dụng 547 sáng kiến vào sản xuất, chiếm 100 % tổng số sáng kiến công nhận
- Đã thực hiện tính toán, xác định hiệu quả kinh tế áp dụng vào sản xuất đối với 511 sáng kiến để làm cơ sở trả tiền thưởng, trong đó:
- 302 sáng kiến áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế, chiếm 56,95 % tổng số sáng kiến đã được áp dụng với số tiền là 52.405.597,99 USD và bình quân cho mỗi sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế là 173.528 USD;
- 209 sáng kiến đã được áp dụng vào sản xuất, nhưng hiệu quả không thể tính ra được thành tiền. Tuy nhiên, việc áp dụng của các sáng kiến đó đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đảm bảo an toàn những công trình, góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ sản xuất chung của Vietsovpetro.
- Đã thực hiện chi trả tiền thù lao, tiền thưởng khuyến khích cho những người đã tham gia nghiên cứu, tạo ra và áp dụng 511 sáng kiến vào sản xuất với tổng số tiền là 2,522,196.11 USD. Như vậy, tỷ lệ số tiền bình quân chi trả thưởng so với tổng hiệu quả kinh tế do các sáng kiến mang lại là 4.8 %.
- Bình quân hàng năm có 523 lượt người tham gia viết đơn đăng ký sáng kiến-sáng chế, trung bình khoảng 9% cán bộ công nhân viên toàn Vietsovpetro. Về tham gia phong trào hoạt động sáng kiến, trong giai đoạn từ 2016-2021, có tổng cộng 62 hội nghị tổng kết hoạt động sáng kiến hàng năm và hội nghị tổng kết các phong trào thi đua trong toàn Vietsovpetro.
Kết quả đăng ký, xem xét đơn, áp dụng sáng kiến và tiền chi trả do áp dụng sáng kiến (SK) trong giai đoạn 2016-2021 được thể hiện trong bảng dưới đây:
2. Về hoạt động sáng chế: giai đoạn 2016-2021 ghi nhận nhiều tiến bộ rõ rệt trong hoạt động sáng chế. Cục Sở hữu trí tuệ VN đã xem xét và cấp cho Vietsovpetro 05 bằng độc quyền sáng chế và 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đó là:
- Sáng chế cấp nhà nước số 18016 “Phương pháp thay thế ống dẫn dầu của kho nổi chứa dầu” của nhóm tác giả: Đỗ Văn Phúc, Đỗ Văn Hùng, Trần Phúc Quỳnh;
- Sáng chế cấp nhà nước số 19512 “Quy trình xử lý dữ liệu sóng siêu âm” của nhóm tác giả: Dương Văn Thắng, Nguyễn Thị Liên Thủy, Nguyễn Xuân Quang, Trần Giang Sơn, Võ Văn Châu, Cấn Văn Hùng;
- Sáng chế số 22441 “Quy trình xử lý dữ liệu địa vật lý giếng khoan trong lát cắt đá móng” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Liên Thủy, Dương Văn Thắng, Trần Xuân Thắng, Phạm Thị Phượng.
- Sáng chế số 22712 “Quy trình xử lý dữ liệu khảo sát trạng thái kỹ thuật ống chống và cần khai thác” của nhóm tác giả: Tạ Tương Hoan, Dương Văn Thắng, Nguyễn Thị Liên Thủy, Trần Trọng Lượng, Hoàng Thái Việt.
- Sáng chế số 23822 “Thiết bị và hệ thống đánh dấu mét từ tự động” của nhóm tác giả: Tạ Tương Hoan, Dương Văn Thắng, Nguyễn Thị Liên Thủy, Trần Trọng Lượng, Hoàng Thái Việt.
- Giải pháp hữu ích số 2274 “Thiết bị và phương pháp cắt ống chống bằng tia dung dịch khoan có chứa cát hoặc Barit” của nhóm tác giả: Lê Quang Nhạc, Emelianov Iu. E., Nguyễn Như Bình.
- Giải pháp hữu ích số 2469 “Thiết bị cuốn vòng kim loại để tạo chi tiết chống va đập cho bến cập tàu” của tác giả: Nguyễn Khánh Thọ.
Ngoài hoạt động sáng chế nêu trên, Vietsovpetro đã nộp đơn lên cục Sở hữu trí tuệ xin cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu hàng hóa với 5 nhóm sản phẩm/dịch vụ chính mang nhãn hiệu phù hợp với bảng phân loại Quốc tế. Đơn đã được cục Sở hữu trí tuệ xem xét, chấp nhận và cấp Văn bằng bảo hộ “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” số 53103.
Hưởng ứng tích cực các Hội thi về sáng tạo kỹ thuật, khoa học công nghệ của tỉnh BR VT và toàn quốc, Vietsovpetro đã tham gia và đoạt nhiều giải thưởng. Đặc biệt, khi tham gia giải thưởng Khoa học Công nghệ cấp nhà nước, Vietsovpetro đã vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước (theo các quyết định số 104 và 105/QĐ-CTN ngày 11/01/2017 của Chủ tịch nước) :
(1) Công trình được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”
(2) Công trình được trao tặng giải thưởng Nhà nước: “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam”
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, là hai giải thưởng mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho các công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN và hiệu quả kinh tế xã hội; có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Việc một đơn vị sản xuất kinh doanh đạt 2 giải thưởng cao quý trong cùng 1 đợt là điều chưa có tiền lệ trong suốt 25 năm qua của Giải thưởng. Điều đó cho thấy các nhà khoa học đã đánh giá rất cao những thành tựu về KH-CN mà Vietsovpetro đã đạt được.
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG SK-SC TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
Trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Vietsovpetro sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn do các mỏ dầu khai thác đang ở giai đoạn cuối, sản lượng khai thác suy giảm mạnh. Trong khi đó, phần lớn các hệ thống công nghệ trên các công trình biển đã hoạt động trên 25-30 năm, đã cũ, lạc hậu và quá thời hạn vận hành (theo thiết kế). Bên cạnh đó, diễn biến giá dầu ngày càng phức tạp vẫn chưa ổn định. Để hoàn thành kế hoạch do Hội đồng Liên doanh Vietsovpetro giao, tập thể lao động Vietsovpetro cần phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng, tập trung trí tuệ, đảm bảo thực hiện vận hành khai thác an toàn các mỏ hiện có, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng dầu khí và tiết giảm chi phí sản xuất, đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch khai thác hàng năm mà các bên giao.
Trên cơ sở Nghị quyết số 41-NQ/ĐU ngày 15/4/2021 của Đảng ủy Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, phát huy những thành tích đã đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra từ phong trào SK-SC trong thời gian qua, định hướng cùng các chỉ tiêu, nhiệm vụ của công tác SK-SC giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo được xác định là:
I. Định hướng:
Các sáng kiến, sáng chế trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề nóng hổi của Vietsovpetro hiện nay, đó là các giải pháp tăng hệ số thu hồi dầu, các giải pháp để kéo dài hoạt động của các công trình biển đã hoạt động vượt quá thời gian thiết kế, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Big data để tối ưu hóa hoạt động sản xuất v.v.
II. Chỉ tiêu
Chỉ tiêu hoạt động SK-SC trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro khi hạn mức chi phí được phê duyệt ngày một hạn hẹp, chúng ta đề xuất đặt ra những chỉ tiêu sau:
● Về sáng kiến hợp lý hóa sản xuất:
- Có trên 750 Sáng kiến – Giải pháp kỹ thuật được đề xuất và hiệu quả kinh tế do các sáng kiến đem lại trên 50.000.000 USD;
- Tất các đơn vị trực thuộc của Vietsovpetro đều có đơn đăng ký sáng kiến và có ít nhất 12% số CBCNV của Vietsovpetro tham gia viết sáng kiến.
● Về sáng chế:
- Đăng ký ít nhất 05 hồ sơ Sáng chế & Giải pháp hữu ích tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam
III. Một số giải pháp
Để đạt được những chỉ tiêu trên, chúng ta cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt việc thực hiện nội dung Nghị quyết số 41-NQ/ĐU ngày 15/4/2021 Đảng ủy VSP đề ra về đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro giai đoạn 2021 – 2025;
2. Hoạt động SK-SC cần hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ chính của Vietsovpetro là tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, tận thăm dò để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi dầu và hiệu quả khai thác các mỏ, đưa nhanh các mỏ mới vào hoạt động, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ dầu khí với chất lượng cao nhằm đảm bảo cho Vietsovpetro phát triển bền vững và góp phần nâng cao uy tín, sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Phát huy tối đa và hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp địa chất – kỹ thuật và quản trị kinh doanh để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch sản xuất – kinh doanh được Hội đồng Vietsovpetro giao;
3. Để hoạt động sáng kiến-sáng chế phát triển cần có sự phối hợp hữu hiệu với hoạt động Khoa học & Công nghệ trong Vietsovpetro. Hướng các sáng kiến nghiên cứu vào việc giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ theo yêu cầu thực tế sản xuất của Vietsovpetro, phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Vietsovpetro cũng như của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
4. Tiếp tục phong trào ý tưởng khoa học & sáng tạo đến từng tổ, đội sản xuất để có cơ sở viết sáng kiến. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện bồi dưỡng và nhân rộng những điển hình tiên tiến, các mô hình mới, tạo thành phong trào, động lực để từng đơn vị trong Vietsovpetro có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh;
5. Phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các đoàn thể khác các cấp tương ứng tích cực tham gia và có những biện pháp phù hợp để đưa hoạt động này thực sự sôi động, rộng rãi;
6. Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Quy chế về hoạt động SK-SC. Xem xét bổ sung quy định về việc sử dụng quỹ dịch vụ ngoài chi trả thưởng cho các sáng kiến thực hiện trong công tác dịch vụ ngoài;
7. Tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác SK-SC, bố trí những người có đủ “tâm và tầm” làm thư ký hội đồng SK-SC ở các bộ phận, nâng cao vai trò của Hội đồng SK-SC trong việc thúc đẩy phong trào SK-SC ở đơn vị;
8. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động SK-SC.