Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết chia sẻ: Đối tượng khách hàng của ngân hàng vốn là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người yếu thế trong xã hội khả năng chống đỡ rủi ro thấp, cho nên khi bị tác động họ sẽ là những người bị tổn thương sớm nhất và sâu nhất. Đặc biệt, dịch COVID-19 vừa qua, tình hình SXKD bị đình đốn, thu nhập giảm, thậm chí không có đã ảnh hưởng các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình, triệt tiêu khoản tiết kiệm vốn đã ít ỏi. Khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tương đối, người dân bắt đầu có thể quay lại để tổ chức SXKD thì vấn đề đầu tiên và cũng là khó khăn lớn nhất họ gặp phải đó chính là vốn.
Thấu hiểu được điều này, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan của thành phố tổ chức khảo sát về nhu cầu vay vốn, khảo sát tình hình thiệt hại của các hộ SXKD do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và khảo sát nhu cầu vay vốn của hộ vay, khoảng 1.000 tỉ đồng. Theo đó, chi nhánh đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn ủy thác khoảng 500 tỉ đồng chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ dân ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát để họ có vốn tổ chức phục hồi SXKD.
Xác định việc cho vay hỗ trợ người dân tổ chức phục hồi lại tình hình SXKD là nhiệm vụ trọng tâm, nên ngay sau khi Thành ủy và UBND thành phố giao cho chi nhánh triển khai giải ngân gói 500 tỉ đồng để cho người dân vay vốn khắc phục khó khăn do COVID-19 (ngày 30.9.2021), chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức bình xét, rà soát hộ vay theo đúng thứ tự ưu tiên của thành phố về đối tượng được vay vốn, ngành nghề vay vốn. Đồng thời, khẩn trương tổ chức việc hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân đến khách hàng một cách sớm nhất, giúp bà con có nguồn vốn để tổ chức lại hoạt động SXKD.
Mặc dù mức vay chỉ 50 triệu đồng, thời hạn 2 năm có thể là ít so với nhu cầu thực tế nhưng trong bối cảnh nhà nhà cần vốn sản xuất, nguồn vốn ủy thác này đặc biệt được người dân quý trọng và đón nhận.
Như gia đình chị Đỗ Thị Mai Hương, 38 tuổi ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn vốn là gia đình thuần nông, quanh năm làm ruộng và chăn nuôi lợn nái, gà. Những năm gần đây để gia tăng thu nhập cũng như có điều kiện chăm sóc con cái, chị xin ra ngoài làm thêm công nhân được 5 - 6 triệu đồng/tháng. Song mới vừa đi làm được 6 tháng thì dịch COVID-19 bùng phát, công ty gặp khó khăn, nên cho chị phải kết thúc hợp đồng lao động. Nghỉ ở nhà hơn 2 tháng, không có thu nhập, cuộc sống gia đình đành phải tằn tiện. Lúc ấy, chị suy nghĩ quyết tâm không đi làm công nhân nữa, ở nhà chăn nuôi lợn, gà, bò, trâu, bò, tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, sau thời điểm COVID-19 thì ai cũng khó khăn nên chuyện vay mượn bà con họ hàng để mở rộng sản xuất là điều không khả thi. Không có vốn, với quy mô chăn nuôi hiện tại khó có thể đảm bảo thu nhập và trang trải trong gia đình. Thế nên được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phục hồi SXKD đúng thời điểm giúp chị đầu tư thêm một cặp bò nái, bò giống vừa đa dạng hóa mô hình chăn nuôi, ổn định cuộc sống trong tương lai.
Không chỉ giúp các hộ dân có cơ hội chuyển đổi, mở rộng mô hình SXKD mà còn tạo thêm nhiều việc làm góp phần ổn định an sinh xã hội địa phương. Như hộ anh Lê Văn Bằng ở thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn kinh doanh cửa nhôm kính và nghề mộc. Khi thành phố thực hiện Chỉ thị số 16, gia đình anh chấp hành tạm dừng hết hoạt động, 4 anh em làm công cho xưởng mộc của gia đình anh cũng nghỉ việc ở nhà. Đến nay, khi tình hình dần ổn định hơn, anh muốn quay lại sản xuất bình thường như lúc đầu nhưng vốn không có. Chính bởi vậy, việc được chính quyền địa phương, NHCSXH cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn từ gói 500 tỉ đồng đã giúp anh có nguồn vốn để giải quyết khó khăn mấu chốt, đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm nguyên vật liệu. Với các đơn hàng ngày càng nhiều, không chỉ gia đình anh được cải thiện nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống mà hiện còn đang tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập khoảng 12 triệu đồng/người/tháng. “Nếu không có nguồn vốn này thì cơ sở vẫn tiếp tục dừng hoạt động”, anh Bằng tâm sự.
Nguồn vốn mà thành phố ủy thác sang NHCSXH TP Hà Nội không chỉ giúp các đối tượng SXKD bị đình trệ bởi dịch COVID-19 tổ chức lại SXKD như: mua sắm các vật tư trang thiết bị, sửa sang lại cửa hàng để tổ chức bán, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho địa phương,... mà còn là hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp. Trước kia, nguồn vốn được họ đưa vào SXKD, đưa vào chăn nuôi, trồng trọt nhưng do ảnh hưởng của COVID-19, sản phẩm không thu hoạch được cũng như không tiêu thụ được. Họ rất cần vốn để đầu tư vào giống, phân bón, đất trồng để tổ chức lại SXKD. Hiện nay, dư nợ chương trình này cho khu vực nông nghiệp nông thôn lên đến 51%.
Phó Giám đốc Phạm Văn Quyết cho biết thêm, tính đến ngày 27.10.2021, chi nhánh đã giải ngân được trên 463 tỉ đồng cho 9.604 người lao động gặp khó khăn do COVID-19 có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi SXKD. Với tinh thần quyết tâm cao, đến hết tháng 10, chi nhánh cũng sẽ giải ngân xong nguồn vốn 500 tỉ đồng được thành phố ủy thác.