Góp phần đổi thay miền trung du Thanh Ba

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời tập trung huy động các nguồn lực, trong đó coi trọng nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư cho các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Điểm giao dịch định kỳ hằng tháng tại xã Lương Lỗ của NHCSXH huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Tại xã Khải Xuân, ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch UBND xã, sôi nổi cho biết: Trong 5 năm gần đây, nguồn vốn chính sách đã góp sức mở rộng mô hình kinh tế trang trại, đưa các giống cây chất lượng cao vào gieo trồng ở những cánh đồng mẫu lớn rộng, xây dựng các vườn chè sạch, rau của quả an toàn, phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Có tới 5.000 hộ dân ở 12 khu hành chính đã gia nhập sinh hoạt tại 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), được vay 18,9 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, đầu tư vào sản xuất được 200 ha lúa giống mới, đạt năng suất 5,9 tạ/ha, thâm canh 180 ha chè theo công nghệ Viet Gap, 62 ha bưởi, cam chất lượng cao. Đặc biệt, đồng vốn ưu đãi đã trở thành đòn bẩy để Khải Xuân hoàn thành Chương trình Nông trình mới trước kế hoạch 1 năm, với tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 6% và mức thu nhập đạt 41 triệu đồng/người/năm.

Còn ở xã Sơn Cương, gặp chị Chủ tịch Hội Phụ nữ Đỗ Thị Sang, câu chuyện của chúng tôi rôm rả xung quanh chủ đề tác động của nguồn vốn ưu đãi ở một nơi miền núi thuộc vùng 2 khó khăn của huyện Thanh Ba. Chị Sang cho biết: Các chương trình tín dụng của NHCSXH triển khai cùng một số chương trình dự án khác, đã làm điểm tựa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, kể cả hộ mới thoát nghèo chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, khôi phục mở mang ngành nghề cơ khí, mây tre đan, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, đảm bảo an sinh và an ninh trật tự xã hội. Như để chứng minh cho lời nói của mình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đã đưa chúng tôi đến thăm nhà ông Đỗ Xuân Nam, ở tiểu khu 9. Vừa rót nước mời khách, ông Nam chia sẻ: “7 năm trước, nhà tôi còn túng thiếu, khó khăn. Được cán bộ đoàn thể địa phương với NHCSXH động viên, giúp đỡ, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi về chăn nuôi. Do ngay lần đầu dùng vốn ưu đãi làm ăn đã sinh lãi, gia đình tôi phấn khởi vô cùng, bàn bạc đề xuất ngân hàng cho vay tiếp lần 2 nhiều tiền hơn để mở rộng chuồng trại nuôi gà đồi, lợn thịt theo mô hình gia trại. Tại xã Sơn Cương này còn nhiều hộ cũng nhờ sự hỗ trợ đồng vốn chính sách nên đã thoát cảnh nghèo túng, dựng xây cuộc sống đủ đầy”.

Những năm qua với, 10 cán bộ nhân viên, NHCSXH huyện Thanh Ba đã bền bỉ, lặn lộn chuyển tải 447 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến khắp làng, xã, cho vay đến từng đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, góp phần làm cho vùng đất Thanh Ba ngày càng trù phú.

Giám đốc NHCSXH Thanh Ba, ông Dương Anh Tuấn cho biết, đơn vị luôn bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và địa phương, tập trung huy động nguồn lực tài chính, kịp thời chuyển tải nguồn vốn tới đúng đối tượng thụ hưởng. Trong bối cảnh dịc COVID-19 diễn biến phức tạp, Phòng giao dịch đã vừa phòng chống dịch an toàn, vừa đảm bảo tiến độ giải ngân kịp thời, đầy đủ, an toàn. Tất cả 19 Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân vay vốn và các cán bộ đoàn thể.

Từ đầu năm 2021 đến nay, doanh số cho vay của NHCSXH huyện vẫn đạt 115 tỷ đồng với 2.957 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với đó, việc phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác ngày càng nhịp nhàng, góp phần thực hiện tốt công tác bình xét dân chủ, công bằng cho các hộ vay vốn ưu đãi cũng như tạo thuận lợi trong việc triển khai việc cho vay vốn ưu đãi đối với người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.

Dư Minh Uyên
Ngân hàng Chính sách xã hội Sơn La vượt khó, hoàn thành kế hoạch sớm 1 tháng
Ngân hàng Chính sách xã hội Sơn La vượt khó, hoàn thành kế hoạch sớm 1 tháng

Đến ngày 30/11/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Sơn La đã hoàn thành kế hoạch tín dụng cả năm, điều đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động khiến nhiều lao động mất việc làm, nguy cơ tái nghèo ở vùng miền núi biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN