Ông Nguyễn Thế Cần, Giám đốc NHCSXH Mộc Châu cho biết, cán bộ tín dụng chính sách đã không quản ngại khó khăn, thử thách, kiên trì bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách, sắp xếp, củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân vay vốn chính sách kịp thời đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Đây không chỉ là nguyên nhân chủ yếu làm nên kết quả tăng trưởng dư nợ của đơn vị tính đến ngày 30/6/2021 đạt 355 tỷ đồng, với 8.477 hộ vay được vốn của NHCSXH trong mùa đại dịch COVID-19 năm nay, mà còn làm “cầu nối” chuyển tải nhanh nhất, nhiều nhất đồng vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, hệ thống Điểm giao dịch cũng đã phủ kín 15 xã, thị trấn khắp huyện, giúp cho NHCSXH Mộc Châu thực hiện tốt công tác 3 đúng: Giao dịch đúng đối tượng, giao dịch đúng quy định và giao dịch đúng địa điểm. Việc làm hay này góp phần thiết thực phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở từng làng xã đến toàn huyện.
Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Từ khi NHCSXH huyện lập Điểm giao dịch tại xã, đồng bào các dân tộc trong xã được tiếp cận thuận lợi tới nguồn vốn ưu đãi, đầu tư kịp thời vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi đại gia súc, khai thác mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng, cá bè. Cũng thông qua Điểm giao dịch xã, nguồn vốn tín dụng ưu đãi và số lượt hộ vay nguồn vốn này của xã đều tăng, thực sự làm “bà đỡ” cho vùng miền núi đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và chấm dứt tình trạng phá rừng.
Xã Tân Lập có địa hình hiểm trở, nhiều suối sâu đèo cao, nhưng Điểm giao dịch của NHCSXH vẫn hoạt động đều đặn, đúng định kỳ, bất kể thời tiết nắng mưa thất thường hay ngày nghỉ lễ, cuối tuần… Mọi quy định liên quan đến tín dụng chính sách được thông báo công khai, chi tiết; mọi nguồn vốn được chuyển tải nhanh chóng, tiện lợi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, có hơn 2.300 người nghèo và các đối tượng chính sách ở 19 bản, tiểu khu của xã đã sử dụng 28,7 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng 818 ha ngô lúa, thâm canh 471 ha chè sạch theo công nghệ VietGap, phát triển đàn trâu bò gần 3.000 con. Đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao, Kinh… phấn khởi, sử dụng vốn vay hiệu quả vào công việc sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, chăm lo việc học hành cho con em mình. Tiêu biểu có ông Lường Văn Quang, ở bản Hoa 1, nhờ vay tới 90 triệu đồng của 2 chương trình tín dụng chính sách đã chủ động lựa thế đất đồi, khai hoang mở đất đào mương dẫn nước ngọt về tưới cho 3,5 ha ngô lai, thu hoạch trên 12 tấn/ha.
Từ nguồn vốn chính sách, bản làng vùng xa, vùng sâu, biên giới trên cao nguyên Mộc Châu đã khai thác được tiềm năng lợi thế, từng ngày đổi thay; cộng đồng người Thái, Mông, Tày, Dao… đã vươn lên thoát nghèo, dựng xây cuộc sống tươi sáng, no đủ.
Chiềng Khừa là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, khó đi nhất, kinh tế kém phát triển nhất. Từ trung tâm huyện đến xã khoảng 30 km nhưng phải mất gần 2 giờ di chuyển bằng xe máy vì đường đèo dốc, bụi mù. Xã có đến 50% là hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Vì thế, công tác xóa đói giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, ban ngành các cấp đặc biệt quan tâm.
Theo đó, NHCSXH đã ưu tiên tăng vốn, thêm chương trình tín dụng, thực hiện cho vay trực tiếp, nhanh chóng tại Điểm giao dịch xã, đến đúng từng đối tượng, tạo điều kiện để người dân kịp vào vụ sản xuất.
Gia đình anh Lường Văn Liên và chị Hoàng Thị Lá ở bản Phách là hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất. Căn nhà sàn của anh chị một nửa bằng ván gỗ, nửa còn lại bằng phên lứa trống hoác. Vợ chồng anh Liên chưa biết làm gì để phát triển kinh tế thì may sao cùng với sự giúp đỡ của xóm giềng, chi hội nông dân, cán bộ tín dụng chính sách đã trực tiếp hướng dẫn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Vậy là vợ chồng anh đã sử dụng 76 triệu đồng vay của NHCSXH Mộc Châu trồng chanh leo trên diện tích hơn 3000m2. Sau thời gian chăm sóc chu đáo, chanh leo kết trái, cho thu hoạch mỗi tháng tới 5-6 triệu đồng, bằng cả năm trồng lúa nương. Ngoài tiền vay trồng chanh leo, nuôi lợn gà, gia đình anh còn được vay vốn chính sách sửa chữa căn nhà để không phải chạy mưa khi nước lũ, bão giông tràn về. Theo chị Lá, nếu sản xuất diễn ra suôn sẻ, đến cuối năm nay gia đình sẽ trả hết nợ vay cho ngân hàng và thoát nghèo như đã đăng ký.