Net Zero (cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể) vào năm 2050 là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26). Mục tiêu cụ thể này đã trở thành một đích đến để thúc đẩy cả Chính phủ và doanh nghiệp tham gia vào hành trình xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững.
Tại hội thảo hội thảo “Net Zero: Chuyển dịch Xanh - Cơ hội cho người dẫn đầu” do VTV tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội, đại diện Chính phủ, doanh nghiệp đã cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc hướng tới mục tiêu Net Zero.
Hành trình cắt giảm - chuyển đổi - hấp thụ
Trong hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero, Tập đoàn TH là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong ngành nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã và đang tiên phong tạo dựng nên nền sản xuất xanh, nền kinh tế bền vững. Từ tư duy đến hành động, từ quản trị đến thực thi, TH đều tập trung vào 3 hoạt động: Cắt giảm phát thải khí nhà kính; chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và hấp thụ khí nhà kính.
Việc cắt giảm được thực hiện thông qua các sáng kiến về giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tái tạo... Theo đó, Tập đoàn TH đã đề ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp tại trang trại và nhà máy trung bình đạt 15%/năm ở phạm vi phát thải khí nhà kính trực tiếp. Mục tiêu giảm tổng phạm vi phát thải nhà kính trực tiếp và gián tiếp trên một đơn vị sản phẩm tại nhà máy, trang trại TH cũng là giảm trung bình 15%/năm.
Với rất nhiều giải pháp đồng bộ và hành động quyết liệt, năm 2022, hệ thống trang trại của TH đã giảm trung bình hơn 20%/đơn vị sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, tại Công ty Cổ phần sữa TH (THM) trong 2 năm liên tiếp 2019-2020 đã đạt bình quân phát thải 0,168 kg CO2/lít sữa; năm 2022 giảm mạnh xuống còn 0,103 kg CO2/ đơn vị sản phẩm, đây mức thấp vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Cũng trong năm 2022, Tập đoàn TH đã giảm xăng dầu tiêu thụ tại nhà máy nhờ chuyển đổi từ dầu FO (nhiên liệu hóa thạch) sang nhiên liệu sinh khối (đốt gỗ dăm phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến gỗ). Bằng việc thay đổi này, toàn bộ hệ thống nhà máy của Tập đoàn giảm được hơn 85% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 2021.
Toàn bộ đèn chiếu sáng trong trang trại, nhà máy của TH đều đã được chuyển đổi từ đèn sợi đốt sang đèn led giúp tiết kiệm được 5 triệu Kwh điện, tương đương giảm xấp xỉ 4.000 tấn CO2. Sáng kiến này đã đạt giải Khuyến khích về tiết kiệm năng lượng và Giải thưởng Người quản lý năng lượng tốt do Bộ Khoa học công nghệ trao tặng.
Với chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, ngay từ dự án sữa tươi sạch đầu tiên, Tập đoàn TH đã đầu tư công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới vào sử dụng. Từ đó đến nay, mọi hoạt động của TH đều tuân thủ nguyên tắc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Trên những mái nhà của Nhà máy sữa tươi sạch TH hay Cụm trang trại bò sữa, TH đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hệ thống này vừa tạo ra nguồn điện xanh, vừa giúp tập đoàn tiết kiệm chi phí sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện tại, Tập đoàn TH đã có 6 trang trại triển khai sử dụng năng lượng mặt trời với lượng điện năng tương đương 1/8 nhu cầu, vào mùa hè khả năng cung cấp sẽ chiếm 1/5 nhu cầu tổng thể. Hệ thống điện năng lượng mặt trời sau khi đi vào hoạt động giúp tập đoàn tiết kiệm 29.000 kWh/tháng, góp phần giảm đáng kể lượng khí phát thải ra môi trường.
Riêng năm 2022, trang trại TH đã hòa lưới điện xấp xỉ 7 triệu Kwh (đáp ứng gần 10% lượng điện tiêu dùng tại đơn vị trang trại), tương đương giảm/thu hồi hơn 4.500 tấn CO2/năm.
Bên cạnh đó, để sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm thiểu phát thải khí CO2, Tập đoàn TH cũng đồng thời nghiên cứu phát triển thêm các dự án điện sinh khối tại nhà máy sản xuất mía đường NASU Nghệ An với công suất dự kiến 30MW giai đoạn 2023-2026, lắp đặt thêm các hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà máy sản xuất gỗ Nghệ An và các nhà máy sản xuất thực phẩm khác của Tập đoàn TH.
Tập đoàn TH cũng ứng dụng nhiều giải pháp tối ưu hóa năng lượng phụ trợ cho hoạt động sản xuất như điện, nước, hơi, nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp cũng như giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Đến 2026, Tập đoàn TH sẽ triển khai bao gồm sử dụng năng lượng khí sinh học từ quá trình xử lý chất thải chăn nuôi để phục vụ cho các hoạt động tại trang trại (đun nước nóng).
Khi cắt giảm và chuyển đổi được thực hành đến mức tối đa thì "hấp thụ" là bước quan trọng để Tập đoàn TH hướng tới mục tiêu cân bằng Net Zero. Hiện nay, Tập đoàn TH đã và đang nỗ lực trồng thật nhiều cây xanh để hấp thụ, bù lại lượng CO2 do quá trình sản xuất thải ra. Tầm nhìn phát triển đến 2025, Tập đoàn TH hướng đến mục tiêu trồng 10.000 cây xanh/năm.
Trong tương lai, Ủy ban phát triển bền vững của Tập đoàn TH sẽ triển khai mạnh mẽ dự án Quỹ cây xanh TH nhằm trực tiếp góp phần “hấp thụ” CO2 cho chính doanh nghiệp, giúp cân bằng phát thải và tạo ra nhiều giá trị tăng thêm như sinh kế người dân, cải thiện sinh thái, cảnh quan, môi trường…
Cần ‘đòn bẩy’ chính sách để doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ
Khẳng định nền kinh tế xanh đã được thực hành tại Tập đoàn TH trong nhiều năm qua, ông Arghya Mandal, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH cho biết tập đoàn TH đặt mục tiêu Net Zero trước năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, ông đưa ra 3 đề nghị với Chính phủ: Thứ nhất là cần đảm bảo minh bạch về thông tin cũng như cần được chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp tiên phong. Thứ hai, cần một lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn cắt giảm khí thải.
“Cuối cùng, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến Net Zero. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể được ưu đãi miễn giảm thuế khi tham gia hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, trồng rừng…”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH kỳ vọng.
Chia sẻ thông tin về các chính sách hiện hành, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Chính phủ đã ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia với 10 định hướng chiến lược, 8 nhóm giải pháp. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia cũng được Chính phủ phê duyệt với 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể...
Về các chính sách tài chính cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21.000 tỷ đồng mỗi năm. Đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23.500 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định từ nay đến hết năm 2027 sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028. Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách: Các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường…; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Chính phủ ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiêp phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường; quy định tiền chuyển nhượng quyền phát thải (tín chỉ carbon) không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng; quy định các hàng hóa, dịch vụ góp phần xanh hoá nền kinh tế, không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng...