Con đường tất yếu để có “nền kinh tế mạnh”
Là vùng đất có sự đa dạng văn hóa gắn với 22 dân tộc, chiếm gần một nửa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và trên 600 thắng cảnh, di tích lịch sử, Quảng Ninh được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”. Bởi thế, khi vùng di sản chọn phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh cho thấy họ đã đi đúng hướng.
Mở cửa, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, du lịch Quảng Ninh từ chỗ chỉ được biết đến với những Vịnh Hạ Long, biển và hải sản cùng những ngôi chùa thì nay đã nổi danh khắp trong nước và khu vực, với những dự án du lịch, hạ tầng mà chẳng nơi nào có thể làm được đồng bộ như thế. Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Hạ Long - Vân Đồn; Vân Đồn - Móng Cái; Nhà thi đấu 5.000 chỗ; Cung Quy hoạch - Hội chợ - Triển lãm và Văn hóa tỉnh; Thư viện - Bảo tàng… Cùng với đó là các khu nghỉ dưỡng, sân golf và các khách sạn cao cấp, khu vui chơi giải trí Sun World Halong Complex tầm cỡ châu lục. Du khách từ chỗ đến Quảng Ninh, Hạ Long nghỉ một đêm thăm vịnh rồi về, thì giờ, đi hai, ba ngày không hết chỗ chơi. Hầu hết những sản phẩm du lịch mới mẻ của Quảng Ninh, đều có sự đóng góp của những tên tuổi các nhà đầu tư lớn như BIM Group, Vingroup, Sun Group, MyWay, FLC…
5 năm trở lại đây, kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng bứt tốc mạnh mẽ, tỷ lệ tăng trưởng từ 8,8% vào năm 2014 tăng lên mức 2 con số qua các năm và đạt mức 11,1% vào năm 2018. Chỉ trong 9 tháng năm 2019, tốc độ tăng trưởng của Quảng Ninh đạt 11,9% vượt kế hoạch tăng trưởng cả năm đã đề ra, tăng 0,8% so với cả năm 2018 (11,1%). Năm 2018, du lịch Quảng Ninh đón trên 12 triệu lượt khách du lịch. Lượng khách du lịch trung bình trong 1 năm gấp 10 lần dân số của tỉnh. Trong đó, khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, bằng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018. Riêng 9 tháng năm 2019, du khách đến Quảng Ninh đạt hơn 11 triệu lượt.
Đã đến lúc những địa danh du lịch mới được gọi tên
Hội thảo “Du lịch Quảng Ninh, vươn tầm di sản” được tổ chức vừa qua, lãnh đạo Quảng Ninh cũng một lần nữa khẳng định rõ mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; trở thành một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Những con số tăng trưởng ấn tượng khiến Quảng Ninh được kỳ vọng là có vai trò dẫn dắt, mang sứ mệnh trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Đó là động lực nhưng cũng là sức ép không nhỏ của tỉnh. Nếu không gian du lịch không được mở rộng, các địa điểm du lịch dễ trở nên nhàm chán, thậm chí còn dẫn đến sự quá tải cục bộ. Và lời giải hay cho bài toán đó là cần đánh thức những kho báu vẫn đang bị lãng quên của du lịch Quảng Ninh. Theo đó, thời gian tới, những địa danh đẹp vẫn chưa được nhắc đến nhiều như Bình Liêu, Quan Lạn, Cô Tô, hay suối nước nóng Quang Hanh... có thể sẽ được gọi tên.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực tế thời gian qua, du lịch Quảng Ninh còn thiếu sự gắn kết nên tập trung phần lớn khách du lịch ở những thành phố như Hạ Long, Uông Bí. Tuy nhiên, thực tế Quảng Ninh còn có 600 di tích lịch sử văn hóa trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh.
Lấy ví dụ Cô Tô, nơi đây được ví như thiên đường miền Bắc với hàng chục bãi biển dài thơ mộng, nước biển xanh ngọc trong vắt, bãi cát trắng đẹp không thua kém gì Maldives. Quần đảo có khoảng hơn 50 đảo lớn nhỏ, có nhiều điểm du lịch lãng mạn như: Trạm hải đăng Cô Tô, bãi đá Cầu Mỵ, đường Tình yêu, bãi tắm Vạn Chảy, Hồng Vàn... nhưng bao năm qua vẫn hoang sơ. Thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ nghèo nàn khiến du khách ít lựa chọn nơi đây làm điểm đến.
Hay như Bình Liêu - “Sa Pa thu nhỏ” với khí hậu mát mẻ trùm lên những thửa ruộng bậc thang xanh mướt và cung đường đèo ngập tràn cỏ lau tuyệt đẹp, vậy mà xưa nay vẫn chỉ có dân phượt lui tới săn mây và check-in bên những cột mốc miền biên ải.
Ông Thủy chia sẻ: “Để cán mốc đón 50 triệu du khách vào năm 2030 như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta có nhiều việc phải làm như: mở rộng không gian du lịch Hạ Long, khai thác thêm một số điểm như Cô tô, Quan Lạn, Minh Châu, suối nước nóng Quang Hanh... và làm phong phú thêm loại hình dịch vụ như: du lịch tâm linh, du lịch khám phá Bình Liêu - Ba Chẽ, du lịch nông nghiệp Đông Triều, Quảng Yên”.
Ông Thủy có lý khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mở rộng điểm du lịch và thiết kế những sản phẩm du lịch mới, coi đó là một trong những chiến lược phát triển của du lịch Quảng Ninh trong những năm tiếp theo. Đánh thức những vùng đất đẹp đang “say ngủ” để đa dạng hoá các sản phẩm du lịch mang những nét đặc trưng riêng có của từng vùng đất chính là những “món ăn thịnh soạn” mà du lịch của Quảng Ninh đang lên thực đơn.
Với kinh nghiệm thu hút nhà đầu tư để phát triển du lịch bền vững từ Hạ Long, Vân Đồn,... thời gian tới, Quảng Ninh hoàn toàn có thể mời gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược, để khai thác những vùng đất mới, địa điểm du lịch có tiềm năng này, như chia sẻ của bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Với quyết tâm chính trị cao nhất, Quảng Ninh sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển dịch vụ và du lịch, duy trì vị trí quán quân trong nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hiệu quả điều hành kinh tế”.