Đậu nành vốn là một loại thực phẩm phổ biến được sử dụng từ hàng trăm năm qua, không những thế hạt đậu nành cũng có những thành phần dược chất rất tốt cho sức khỏe. Vậy hạt đậu nành như thế nào mới đủ tiêu chuẩn để chiết xuất ra được các dược chất chăm sóc sức khỏe, để mang lại vẻ đẹp và sự quyến rũ cho phái đẹp?
Đậu nành dược liệu chứa hàm lượng hoạt chất isoflavone cao hơn hẳn các giống khác. |
Đậu nành “nguyên bản”, không được biến đổi gen
Theo nghiên cứu của viện Di truyền Nông nghiệp thì đậu nành dược liệu phải đảm bảo sạch và có hàm lượng hoạt chất cao hơn hẳn các giống đậu nành khác. Nếu như đậu nành thực phẩm thường giàu protein và chất xơ thì đậu nành dược liệu lại mang “sứ mệnh” hỗ trợ điều trị bệnh, phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe. Do đó, đậu nành dược liệu có rất nhiều điểm khác biệt so với đậu nành thực phẩm. Trong đó, điểm khác biệt quan trọng của đậu nành dược liệu là giống cây đậu nành phải hoàn toàn thuần chủng, không biến đổi gen. Đồng thời, đậu nành dược liệu phải là giống đậu nành cho hàm lượng isoflavone cao tối ưu, giàu Omega và vitaminE.
Viện Di truyền Nông nghiệp nghiên cứu và chuyển giao giống đậu nành dược liệu cho công ty Nam Dược. |
Nói về giống đậu nành dược liệu này, PGS.TS Đặng Trọng Lương - Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: “Viện Di truyền Nông nghiệp đã nghiên cứu và phân tích hơn 10 giống đậu nành khác nhau. Giống đậu nành chúng tôi bàn giao cho Công ty Nam Dược triển khai trồng tại Nam Định có hàm lượng isoflavone cao hơn hẳn các giống khác. Đây là giống thuần chủng, không biến đổi gen, đảm bảo hàm lượng hoạt chất sinh học cao, đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về dược liệu trong sản xuất dược phẩm”.
Vùng trồng đậu nành dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO
Mới đây, Cục quản lý Y dược cổ truyền - Bộ y tế đã chứng nhận vùng trồng đậu nành dược liệu của Bảo Xuân đạt chuẩn GACP- WHO (Tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới).
Vùng trồng đậu nành đầu tiên được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. |
Vùng trồng này nằm biệt lập trên một bãi đất tự nhiên giữa con sông Đào (Xã Thành Lợi - Vụ Bản - Nam Định), được cách ly với các cây trồng khác để đảm bảo không bị tạp nhiễm.
Những cây đậu nành ở đây được chăm sóc với quy trình khắt khe theo tiêu chuẩn GACP – WHO: Khu vực trồng cách xa khu dân cư, khu công nghiệp, đất, nước... được kiểm nghiệm định kỳ, đảm bảo không bị tạp nhiễm; Khu nhân giống riêng, tránh pha tạp, chọn hạt giống và cây trồng tốt trước khi gieo trồng; Không phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn cây lớn, không phun thuốc diệt cỏ... Được biết, đây là dự án do Biotrade EU - Dự án Thương mại Sinh học của Liên minh châu Âu tài trợ cho công ty Nam Dược trồng cây đậu nành không biến đổi gen và được trồng theo tiêu chuẩn “Đậu nành dược liệu đạt chuẩn GACP- WHO” nhằm phát triển dược liệu sạch, tạo nguồn nguyên liệu an toàn, đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực dược liệu tại Việt Nam.
Chia sẻ về dự án, TS. Phạm Lương - Giám đốc Tổ chức Helvetas Việt Nam - Đơn vị thực hiện dự án BioTrade cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao cách làm bài bản, nghiêm túc của công ty Nam Dược, do đó, trong rất nhiều doanh nghiệp dược tại Việt Nam, chúng tôi lựa chọn công ty này để tài trợ xây dựng vùng trồng đậu nành dược liệu với các tiêu chí khắt khe nhằm đáp ứng tiêu chuẩn BioTrade cho sản xuất dược liệu sạch, an toàn, bền vững. Vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP-WHO là bước quan trọng đầu tiên trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm dược liệu, bên cạnh việc chuẩn hoá trong khâu sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng, và cuối cùng là cam kết về đạo đức kinh doanh. Đây là các yếu tố để đạt chứng nhận của BioTrade".
Được sự tài trợ của Dự án Biotrade-EU, việc xây dựng thành công vùng trồng đậu nành dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến mới trong sản xuất dược liệu trong nước, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu và Mỹ.