Agribank mang đến diện mạo khởi sắc cho nông thôn Việt Nam

Nông thôn Việt Nam đang chuyển mình và vươn tới những mô hình nông thôn mới kiểu mẫu thực sự đáng mơ ước….

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng tại khắp các địa phương trong toàn quốc.

Chung tay cùng cả nước, ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng, luôn bám sát chủ trương lớn, trọng tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện vai trò tiên phong, đầu tàu, tập trung ưu tiên nguồn vốn tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, góp phần mang đến diện mạo đổi thay từng ngày trên mỗi làng quê.

Hiện thực hóa bức tranh nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đang chuyển mình và vươn tới những mô hình nông thôn mới kiểu mẫu thực sự đáng mơ ước….

Luồng gió mới nơi làng quê

Chiếc xe ô tô lăn bánh êm ru trên con đường bê tông hóa trải dài thẳng tắp và xanh rợp cây lá hai bên đường bởi những vườn cây trái trĩu quả, cảnh sắc của huyện miền núi Xuân Lộc của tỉnh miền Đông Nam bộ Đồng Nai cho chúng tôi cảm nhận trọn vẹn về sự đổi thay nhiều khởi sắc và hiện đại của một huyện nông thôn mới kiểu mẫu mà khó có thể lẫn với một nơi nào khác trên cả nước.

Cùng với thị xã Long Khánh là hai đơn vị đầu tiên trong cả nước được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2014, đến nay huyện Xuân Lộc vẫn tiếp tục giữ vững vị trí lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Biết phát huy lợi thế của một địa phương trọng điểm về phát triển nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai, huyện Xuân Lộc đang thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững; tiếp tục xây dựng NTM toàn diện, lấy phát triển sản xuất làm trung tâm để nâng cao thu nhập cho người dân, chăm lo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái… với mục tiêu đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” vào năm 2025.

Chú thích ảnh
Mô hình Điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng cung cấp dịch vụ ngân hàng tới tận các vùng sâu vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo và thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, huyện Xuân Lộc đã có 5/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, còn lại 9 xã đều đạt từ 10-17/19 tiêu chí, 33 - 45/47 chỉ tiêu; huyện đã hình thành được 7 dự án cánh đồng lớn đối với nhiều loại cây trồng chủ lực của địa phương như: hồ tiêu, sầu riêng, chôm chôm, điều và các loại lúa, ngô...

Trong đó có ít nhất 10 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap như: xoài suối lớn, chuối Xuân Bắc, cà chua, dưa lưới tại Xuân Trường hay sầu riêng tại hợp tác xã Xuân Định…

Trong những năm qua, để gỡ nút thắt sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, địa phương tập trung giải bài toán đầu ra cho nông sản; trong đó đặc biệt quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo động lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Hiện nay, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Xuân Lộc có 11 công ty trồng rau, đậu, hoa, cây dược liệu, cây cảnh, trồng rừng và chăm sóc rừng; có 36 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài nông nghiệp làm lĩnh vực trọng tâm, huyện Xuân Lộc vẫn phát triển đều công nghiệp, thương mại, dịch vụ đóng vai trò thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Các hoạt động thương mại, dịch vụ đã tạo điều kiện kết nối, đưa các sản phẩm nông nghiệp của huyện vào bày bán tại các trạm dừng chân, cửa hàng, vựa trái cây lớn; hình thành các tuyến du lịch nông thôn mới...

Năm 2017, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên địa bàn huyện đạt trên 129 triệu đồng/hécta, thu nhập bình quân đầu người/năm toàn huyện đạt trên 50 triệu đồng (cao hơn mức bình quân toàn tỉnh 47,6 triệu đồng/người/năm). Trong đó, nhiều xã đã đạt thu nhập ở mức 58 triệu đồng/người/năm. Huyện nông thôn mới Xuân Lộc thực sự là mô hình kiểu mẫu đáng mơ ước của hầu khắp các địa phương trong cả nước.

Sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 08/06/2011 và được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến 2020, chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020. Các giai đoạn của chương trình được xây dựng bám sát với mục tiêu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã đề ra.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình, những cách làm hiệu quả, cho thấy vai trò của ngành Ngân hàng đã góp phần không nhỏ giúp diện mạo nông thôn mới thay đổi, đời sống nhân dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Việc ban hành/trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tín dụng đặc thù đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và tổ chức triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng đã góp phần tạo nên hệ thống chính sách đồng bộ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đóng góp vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tại địa phương, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Trong giai đoạn 1 của phong trào xây dựng nông thôn mới, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước với khoảng trên 450 buổi Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng số tiền được hỗ trợ theo Chương trình từ khi triển khai đến hết năm 2015 ước đạt trên 600.000 tỷ đồng cho khoảng 40.000 khách hàng doanh nghiệp và nhiều đối tượng khác. Ngành ngân hàng cũng trực tiếp tham gia vào các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới như: Hỗ trợ địa phương xây dựng trường học, xây dựng nhà ở, nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, xây dựng các công trình giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, hồ chứa nước cho đồng bào các huyện, xã vùng cao… đã giúp các địa phương có thêm nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, làm cho diện mạo nông thôn mới thay đổi.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, ngành Ngân hàng đã khẳng định sự thành công trong phương pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần cùng với các địa phương cải thiện đời sống cho người nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Agribank “đầu tàu” đưa phong trào xây dựng nông thôn mới về đích

Trong hành trình xây dựng và phát triển của mình, Agribank không ngừng mở rộng về mạng lưới, đặc biệt vươn tới tận các các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn của cả nước nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn và sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân trên cả nước. Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, giúp người dân tự vươn lên xoá đói giảm nghèo.

Tại huyện Xuân Lộc, nguồn vốn của Agribank là nguồn lực rất quan trọng giúp nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, tạo tiền đề phát triển kinh tế địa phương để xây dựng NTM. Ông Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Agribank Chi nhánh Xuân Lộc cho biết, Agribank là một thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện. Đến nay, Agribank Chi nhánh Xuân Lộc đã đầu tư 1.286 tỷ đồng chiếm 65% nguồn vốn xây dựng NTM ở huyện Xuân Lộc. Khẳng định vai trò đầu tàu của Agribank trong phong trào xây dựng NTM của địa phương. Ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc cho biết, huyện đang tiến hành xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu đầu tiên của cả nước, trong đó nông nghiệp vẫn là trọng tâm phát triển kinh tế của huyện, vì vậy, vai trò của Agribank là rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Nhanh chóng triển khai và thực hiện chính sách cho vay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, bắt đầu với 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2011, kết thúc giai đoạn 1 của phong trào xây dựng nông thôn mới, Agribank đã thực hiện cho vay ở toàn bộ các chi nhánh và đến ngày 30/9/2015, số xã có khách hàng vay vốn là 8.985 xã trên 9.001 xã của cả nước. Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào, ngày 10/08/2016, Agribank đã ký kết chương trình hợp tác số 07/CTHT-VPĐP-NHNo ngày 10/08/2016 với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Agribank đã ban hành các văn bản chỉ đạo chi nhánh về “Triển khai chương trình hợp tác giữa văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Agribank giai đoạn 2016-2020”; văn bản về thực hiện thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn II”. Đặc biệt để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới, ngày 23/09/2016, Agribank đã ký văn bản thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân Việt Nam và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Để thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa và góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư, năm 2017 và đầu năm 2018, Agribank đã triển khai Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 30 chi nhánh và sẽ tiếp tục triển khai tại 38 chi nhánh.

Agribank đã phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các Ban, Ngành có liên quan tại các địa phương cập nhật thông tin về tiến độ thực hiện Chương trình tại các xã, đồng thời nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ vay vốn giữa khách hàng và Agribank. Căn cứ vào các Đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt của từng địa phương, nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng, Agribank xây dựng phương án cụ thể để đầu tư tín dụng trên địa bàn xã thí điểm. Bên cạnh đó, Agribank cũng công khai các thủ tục cho vay đối với khách hàng một cách rõ ràng, minh bạch, chủ động và ưu tiên về nguồn vốn, ban hành các cơ chế chính sách về tín dụng, nghiên cứu xây dựng quy trình, thủ tục cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng đơn giản hóa để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank, thực hiện tư vấn cho khách hàng trong việc sử dụng vốn vay bảo đảm an toàn, hiệu quả cho cả khách hàng và ngân hàng.

Nguồn vốn vay của Agribank được tập trung chủ yếu vào các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2017, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên toàn quốc và thực hiện cho vay với doanh số là 1.880.449 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 1.507.465 tỷ đồng, dư nợ là 372.985 tỷ đồng, tại 8.970 xã với 2.764.176 khách hàng, trong đó tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành. Bên cạnh kết quả cho vay nông thôn mới đã đạt được, từ năm 2011 đến nay, Agribank đã thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới như: xây dựng nhà tình nghĩa, trường học, trạm y tế … với tổng số tiền 267 tỷ đồng.

Tích cực chung tay cùng ngành ngân hàng nói riêng và cả nước nói chung trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới , Agribank đã giúp diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững.

Là một trong những chương trình tín dụng chính sách trọng điểm đang được Agribank triển khai với cam kết ưu tiên dành nguồn vốn lớn để triển khai có hiệu quả, những kết quả đã đạt được từ năm 2011 đến nay trong việc đầu tư cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank là minh họa rõ nét cho những đóng góp quan trọng của Ngân hàng cho sự phát triển kinh tế địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nếu nông thôn mới là quá trình khởi đầu thì nông thôn mới kiểu mẫu mới thực sự là đích đến khi những mô hình nông thôn mới kiểu mẫu như huyện miền núi Xuân Lộc - Đồng Nai không còn là “thiểu số” trong thời gian tới mà sẽ được nhân rộng trong thực tế bởi sự chung tay, góp sức của các Bộ, ngành cùng hệ thống chính trị các cấp vì một một bức tranh nông thôn Việt Nam thực sự ấm no, trù phú và hội nhập.

Đăng Giới
Agribank ước lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng 10 tháng đầu năm 2018
Agribank ước lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng 10 tháng đầu năm 2018

Theo kết quả cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Agribank, năm 2018 Ngân hàng có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Đến 31/10/2018, lãi trước thuế ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN