Hiện đang là thời điểm nhà nông thu hoạch điều rộ và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mặt hàng này cũng đang tất bật thu mua. Điều khiến các doanh nghiệp “đau đầu” nhất hiện nay không phải là giá xuất khẩu thấp hay không tìm kiếm được thị trường mà là giá thu mua nguyên liệu trong nước đang tăng “phi mã”. Thực tế này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tranh nhau đẩy giá thu mua
Năm nay, anh Huy ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng (Bình Phước) “vui như Tết” nhờ “chung thủy” với cây điều. Gia đình anh hiện có hơn 3 ha điều, vụ này điều lại cho trái khá sai. Đặc biệt, vừa bước vào đầu vụ thu hoạch nhưng thương lái đã tới và trả giá rất cao. “Điều đang được giá, hôm nay thương lái trả từ 28.000 - 29.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 khoảng 8.000 đồng/kg nhưng tôi vẫn chưa bán. Không chỉ tôi mà nhiều hộ khác cũng chần chừ chưa muốn bán mà chờ giá lên vì có thông tin nếu để dành điều đến cuối vụ, giá có thể tăng đến 40.000 đồng/kg” - anh Huy cho biết.
Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy (Bình Dương). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng tranh mua điều của các thương lái cũng diễn ra “sôi động” không kém. Giá điều nguyên liệu hiện được các thương lái thu mua ở mức hơn 30.000 đồng/kg, tăng hơn 7.000 đồng/kg so với tháng 2/2013 nhưng cung vẫn không đủ đáp ứng cầu. “Nguyên nhân khiến giá điều tăng mạnh trong một thời gian ngắn là do nhiều người lo ngại hạn hán đang diễn ra trên diện rộng khiến sản lượng điều khó đạt như kỳ vọng. Dự đoán theo hướng này, nhiều thương lái đang tăng cường thu gom điều để dự trữ với hy vọng vào thời điểm cuối vụ giá điều tăng cao, thì mới bán ra hưởng chênh lệch”, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết.
Tuy nhiên, dự đoán giá điều còn lên cao, đặc biệt vào thời điểm cuối vụ là chưa có cơ sở. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện diện tích trồng điều trong nước liên tục sụt giảm, từ 391.400 ha năm 2009 xuống chỉ còn 355.000 ha năm 2012. Do vậy, mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, nhưng hàng năm, hơn 300 doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khoảng 50% sản lượng điều thô về chế biến. “Theo tôi, dự báo năm nay khan hiếm nguyên liệu điều là không có cơ sở. Đây có thể là chủ ý của giới đầu cơ. Người dân phải hết sức bình tĩnh để tránh thiệt hại không đáng có. Thực chất, qua khảo sát của chúng tôi, tại những quốc gia và vùng lãnh thổ sản xuất điều lớn như Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Braxin…, sản lượng điều của họ năm nay khá ổn định, thậm chí có nơi còn tăng mạnh do được mùa. Điều đáng quan tâm là giá bán điều nguyên liệu của họ rẻ hơn nhiều so với giá thu mua trong nước. Trên cơ sở này, chúng tôi dự đoán, sẽ không có chuyện vào cuối vụ doanh nghiệp chịu mua điều với giá cao hơn hiện nay”, ông Thanh phân tích.
Doanh nghiệp với nỗi lo thua lỗ
Giá thu mua điều nguyên liệu tại thị trường trong nước ở mức cao đang khiến cho nhiều doanh nghiệp “ăn không ngon, ngủ không yên” khi phải cân đối lợi nhuận trong kinh doanh. Hiện giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 6.800 USD/tấn. Trong khi doanh nghiệp chế biến đang gánh chịu chi phí đầu vào tăng cao. Cộng với đó là tỷ lệ hao hụt nguyên liệu của ngành chế biến điều còn ở mức khá cao. Các doanh nghiệp chế biến điều cho biết, để chế biến ra 1 tấn điều nhân, phải cần đến 4 tấn điều thô. Trong 1 tấn điều thô, doanh nghiệp còn phải loại ra từ 7 - 8% những hạt không đảm bảo chất lượng. Và nếu thu mua điều nguyên liệu với mức giá quá cao như hiện nay thì doanh nghiệp chế biến cầm chắc thua lỗ. Theo ông Thanh, nếu mua điều thô với mức giá 27.000 đồng/kg, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sẽ bị lỗ khoảng 330 USD/tấn.
Thông tin từ Vinacas cho thấy, giá điều nguyên liệu nhập khẩu đang rẻ hơn nhiều so với giá điều thu mua trong nước. Cụ thể là tại Bờ Biển Ngà, giá điều thô chỉ ở mức 950 USD/tấn, còn điều Nigiêria có giá từ 850 - 860 USD/tấn... Với mức giá nhập khẩu nguyên liệu như trên, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu sẽ lãi từ 150-180 USD/tấn. “Hai tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu điều cả nước đạt gần 28.00 tấn, tương đương hơn 165 triệu USD, tăng hơn 32% về lượng và gần 10% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012. Theo dự báo, năm 2013 do nhu cầu điều của thế giới tăng mạnh nên giá trị xuất khẩu mặt hàng này của các doanh nghiệp trong cả nước có thể tương đương năm 2012, đạt khoảng 1,7 tỉ USD. Theo tôi, để khắc phục tình trạng thương lái đẩy giá điều nguyên liệu lên cao, giải pháp hiện tại là các đơn vị vẫn thu mua điều nguyên liệu cho bà con có nhu cầu bán, song cũng cần tăng cường nhập khẩu giúp doanh nghiệp hạn chế thua lỗ và người trồng điều vẫn có đầu ra”, ông Thanh cho biết.
Lê Nghĩa