Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là số lượng doanh nghiệp mà quan trọng hơn là chất lượng, thể hiện sức sống của cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và phát triển bền vững. Ngoài những doanh nghiệp mới tham gia thị trường, lực lượng doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho những doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh, khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới và khu vực, có tính dẫn dắt và là hạt nhân liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các chuyên gia cho rằng, nếu như 3 năm trước, Tp. Hồ Chí Minh còn thiếu nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thì hiện nay, nhiều chính sách được ban hành và thay đổi từ hỗ trợ nhân lực, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ công tác thuế, kế toán, mặt bằng, công nghệ, thị trường và những vấn đề thông tin pháp lý… gần như đầy đủ. Thành phố đã có nhiều chủ trương đi đầu cả nước trong hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp khởi nghiệp, các chính sách thuế, hải quan, mặt bằng sản xuất…, đảm bảo tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường.
Cộng hưởng các chính sách hỗ trợ Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp có đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 500.000 doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Thời gian qua, với mục tiêu phát triển doanh nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp nhằm vào hai đối tượng gồm: khởi sự mới và chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng lên nhờ chính sách khuyến khích khởi nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh của Thành phố. Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục; nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố (chỉ số PCI).
Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập mới cũng như việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được thuận lợi, các chính sách hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp của Thành phố luôn đổi mới và bám sát hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, nổi bật là Chương trình đột phá về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2016-2020 và đơn giản hóa thủ tục hành chính cắt giảm chi phí thủ tục nhằm đạt mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên 95%/trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, tiếp tục duy trì giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông để giải quyết hồ sơ thủ tục theo đúng tiến độ. Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có chính sách đặc thù như hệ sinh thái khởi nghiệp, môi trường kinh doanh đổi mới sáng tạo, hỗ trợ mặt bằng, kết nối doanh nghiệp – ngân hàng…. Các chính sách này đã góp phần thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng nhiều. Nhiều chủ doanh nghiệp hiện đã có phát triển quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh và từng bước nâng chất…
Vừa qua, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018. Luật quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên nhiều khía cạnh như: tiếp cận tín dụng, vốn sản xuất kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ pháp lý, mặt bằng, nhân lực; đặc biệt là hỗ trợ mạnh mẽ đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành.
Tuy nhiên, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu đề cập đến khung hỗ trợ, chưa quy định chi tiết điều kiện và mức độ hỗ trợ cụ thể, cũng như một số hỗ trợ chưa rõ đầu mối thực hiện. Từ nay đến ngày Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực sẽ còn nhiều văn bản dưới luật phải ban hành để hướng dẫn, cũng như nhiều giải pháp cộng hưởng để phát huy hiệu quả phát triển doanh nghiệp.
Đại diện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ. Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thành phố sẽ tiếp tục chú trọng ưu tiên thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất-nhựa-cao su, chế biến tinh lương thực – thực phẩm và hai ngành truyền thống dệt may, da giày.
Thực hiện một trong những giải pháp trên, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng nhà xưởng cao tầng tại các khu công nghiệp; đồng thời đã quy hoạch, dành khoảng 500 ha đất để thành lập các khu-cụm công nghiệp, trung tâm giao dịch chuyên về công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng các cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tp. Hồ Chí Minh cũng triển khai chương trình kích cầu đầu tư, thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất…của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.