Phát huy tính sáng tạo của doanh nghiệp vào nông nghiệp

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhóm Ngân hàng thế giới (World Bank Group) đã tổ chức hội nghị “Tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp đã phát huy được khả năng sáng tạo trong sản xuất.

Một trong những hạn chế của Việt Nam trong 30 năm qua là tính sáng tạo còn yếu, kể cả trong Nhà nước, doanh nghiệp và lao động.

“Làm sao chúng ta phải phát huy hết năng lực. Từng cá nhân, tập thể có quyền sáng tạo và trong nông nghiệp cần huy động phong trào này”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, bất kỳ ngành hàng nào, nếu chỉ đợi Chính phủ đưa ra quy hoạch, hỗ trợ rồi cứ thế làm là tắc. Phải phát huy vai trò của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp sẽ kết nối được thị trường.

Phải phát huy vai trò các hội, hiệp hội ngành hàng nhưng đặc biệt là phải phát huy sự liên kết của bản thân doanh nghiệp. Hiện sự liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn còn rất yếu, không ai muốn hợp tác với ai.

“Tư duy muốn làm từ A đến Z của mỗi chúng ta đã kéo đến tận bây giờ. Vào nền kinh tế thị trường hội nhập, chỉ nên làm cái gì mà mình tốt nhất, giỏi nhất, những việc khác ai giỏi hơn thì để họ làm, nếu cố làm thì chỉ thất bại. Trong nông nghiệp cũng vậy, chúng ta cần liên kết trong việc đưa sản phẩm, xây dựng thương hiệu như vậy sẽ có được giá trị gia tăng, đặc biệt có thị trường ổn định hơn”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ ra.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đánh giá cao sáng kiến thành lập Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ cũng đã tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp và tập hợp được 30 nhóm vấn đề, 40 kiến nghị cụ thể.

Chẳng hạn với nhóm vấn đề đất đai, vấn đề khó khăn nhất đối với doanh nghiệp vào nông nghiệp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên môi trường có những giải pháp điều chỉnh trong thời gian tới.

“Bình quân đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người rất thấp, cả nước khoảng 0,7 ha, vùng Đồng bằng bắc bộ chỉ 0,3 ha, trong khi đó, do phát triển kinh tế xã hội cũng có nhu cầu lấy thêm diện tích từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Do vậy, mong muốn có đất đai để sản xuất thì việc liên kết với nông dân là rất cần thiết và nên coi đó một ưu tiên, mặc dù là rất khó. Nếu doanh nghiệp không làm thành công vấn đề này thì không ai làm thành công”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.

Để góp phần hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý của Bộ thông qua Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp.

Đã có 30 doanh nghiệp đầu tàu hăng hái tham gia Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp nông, đưa ra những ý tưởng đầu tư theo định tái cơ cấu nông nghiệp của ngành và các địa phương.

Qua đây, nhóm là thường xuyên tổ chức gặp mặt giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng kế hoạch triển khai bộ phận “một cửa” điện tử hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, để ngành nông nghiệp có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh và vững bền, bên cạnh vai trò chủ đạo của nông dân, cần phải có sự vào cuộc tích cực của đội ngũ doanh nghiệp.

Chỉ có đưa mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới có đủ tiềm lực giải quyết 3 điểm nghẽn lớn nhất của ngành hiện nay là có nguồn vốn lớn và sử dụng vốn có hiệu quả để đầu tư cho nông nghiệp sản xuất quy mô lớn; có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất và chế biến để tăng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; có năng lực, nhanh nhạy kết nối thị trường.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nguyên nhân khiến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, trong đó, tính rủi ro cao, quy hoạch thiếu ổn định, nhiều chính sách, như chính sách thuế, chính sách đất đai, chính sách tín dụng có những hạn chế nhưng chậm sửa đổi cho phù hợp.

Một số ý kiến đề xuất, vướng mắc của doanh nghiệp đã một phần được tháo gỡ trong thời gian qua nhưng những vướng mắc về đất đai, cơ sở hạ tầng, chính sách tín dụng, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ… cần phải có sự tham gia tích cực giải quyết của các Bộ, ngành.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất thấp, riêng năm 2014 chỉ chiếm 1,01% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, đa phần là quy mô vốn nhỏ, số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 55%.

Trong 5 năm (2008 – 2013) chỉ có 3.486 doanh nghiệp thành lập nhưng có tới gần 475 doanh nghiệp bị giải thể. Bên cạnh số ít doanh nghiệp đầu tư bài bản, đa phần doanh nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác nguồn lực tài nguyên, mà chưa quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại cho chế biến sâu.

Đặc biệt, sự liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân chưa chặt chẽ, chính là điểm yếu hạn chế nông nghiệp phát triển.



Bích Hồng (TTXVN)
Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao
Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao

Phá bỏ những rào cản, cởi trói cho ruộng đồng, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chính là phương cách duy nhất để ĐBSCL trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp lớn và trù phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN