Sáng 6/9 tại Hà Nội, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức Tọa đàm về dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” nhằm hoàn thiện dự thảo luật theo hướng tích cực, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, lợi ích kinh tế của nhà nước và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. |
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO là người theo dõi suốt quá trình xây dựng dự thảo luật này mấy năm qua. Ông cho biết, dự thảo Luật lần này đã khá hoàn thiện cả nội dung và hình thức, đặc biệt đã bỏ hẳn quy định về việc lập Quỹ phòng chống tác hại của rượu, bia, nhưng tên luật thì còn vấn đề.
"Tên của Luật không đúng, dẫn đến nhiều vấn đề khác bị nhầm lẫn, không chuẩn mực, không rành mạch, rõ ràng. Nhìn về tổng thể Dự luật thì có thể nhận xét, vì danh không chính, nên ngôn không thuận", ông Đức nói.
Cụ thể, đặt tên “phòng, chống” sẽ gây nhầm lẫn, ác cảm rằng rượu bia là độc hại, trong khi độc hại chỉ là tác dụng phụ khi sử dụng quá liều lượng và sử dụng rượu, bia không bảo đảm chất lượng. "Không thể lấy cái hại chỉ là phụ, là thứ yếu để đặt tên cho Luật, dẫn tới khẳng định như đinh đóng cột, mặc định là độc hại, trong khi mục đích chỉ phòng chống phần độc hại trong rượu bia và việc lạm dụng rượu bia", luật sư khẳng định.
Luật sư Đức phân tích, do cách đặt tên luật như vậy nên kéo theo nội dung của luật cũng có vấn đề. Dự luật đánh đồng việc phòng, chống tác hại giữa rượu và bia, giữa rượu vang, rượu nhẹ với rượu nặng là những thứ khác nhau rất nhiều. Giữa phòng và chống tác hại phụ của rượu bia, thì phòng là quan trọng hơn, cũng giống như phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy nhiên, “từ khoá” của Dự luật là “phòng, chống” (không viết liền, mà cách nhau bằng dấu phẩy), nhưng không rõ đâu là “phòng”, đâu là “chống”.
Thứ hai, có 3 vấn đề chính cần được xử lý trong Luật, đó là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của rượu, bia thì cần đặt thứ tự ưu tiên đầu tiên là giảm tác hại, thứ hai là giảm cầu, thứ ba mới là giảm cung. Dự luật chưa thể hiện được điều này, thậm chí còn thể hiện ngược lại là giảm cung, trong khi đó rượu bia vẫn là một sản phẩm hợp pháp, vừa truyền thống vừa hội nhập. Rượu, bia cũng là một loại thực phẩm, cũng đã được Dự luật thừa nhận khi nhiều lần đề cập đến yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Thứ ba, Điều 26 chỉ quy định về “Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia” là không đầy đủ, không toàn diện. Luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia, cũng giống như các hàng hoá khác, nếu có vi phạm đều bị xử lý, mà không vì lý do có hay không có tác hại đến sức khoẻ. Đây cũng là lý do cần xem lại tên dự luật.
Với những phân tích trên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần phải thay thế bằng tên gọi khác, trong đó mấu chốt là thay 2 từ “phòng, chống” bằng từ “kiểm soát” giống như các nước. Chẳng hạn như đặt tên là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Kiểm soát việc lạm dụng rượu, bia (nếu chỉ tập trung vào việc hạn chế tác hại của rượu, bia) hoặc tên là Luật Quản lý rượu, bia (nếu như quy định cả điều kiện kinh doanh rượu bia).
Tuy nhiên, trong tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế có quan điểm khác về vấn đề này. Theo đó, luật không dùng cụm từ "lạm dụng" rượu bia vì Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia do tùy thuộc vào tuổi, giới tính, cách uống, mức độ... Chưa lạm dụng thì việc sử dụng rượu bia đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình... Nếu khi lạm dụng mới phòng, chống thì đã quá muộn, hậu quả nghiêm trọng hơn, khó khắc phục hơn.
Bên cạnh vấn đề tên gọi, một số vấn đề khác trong dự thảo luật cũng còn gây tranh cãi như việc có nên cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những kiến nghị, góp ý của chuyên gia, doanh nghiệp sẽ được chuyển đến Bộ Y tế - đơn vị soạn thảo dự án luật này để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành bia, rượu trong 3 năm gần đây giảm dần. Tổng thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp trong toàn ngành năm 2017 ước đạt 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,7% GDP của Việt Nam.