Cung cấp dịch vụ miễn phí, đầu tư hàng tỷ đồng vào nghiên cứu và thực hiện các chương trình vì cộng đồng..., “cho đi” là triết lý kinh doanh nghe có vẻ “ngược đời” nhưng hiệu quả và bền vững mà Google và Viettel đang áp dụng.
Trao học bổng cho thủ khoa, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi là một hoạt động thường xuyên được Viettel thực hiện. |
Năm 1998, cả thế giới bất ngờ và xôn xao với công cụ tìm kiếm miễn phí có kho dữ liệu khổng lồ mang tên “Google”. Tại đây, người ta có thể tìm được hầu hết những thông tin cần thiết chỉ trong tích tắc. Chính điều này đã góp phần tạo nên một thế giới phẳng, đưa con người trên toàn cầu hiểu và gần nhau hơn.
Độ nhanh chóng, chính xác của nó đã tạo lòng tin nơi người sử dụng. Điều đó cùng yếu tố then chốt “miễn phí” đưa công cụ này trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nhưng cho không dịch vụ, công ty này liệu có thể tồn tại?
Sang năm 2000, Google bắt đầu bán quảng cáo. Sự tin tưởng và ưa chuộng của người sử dụng giúp Google luôn giữ vị trí số 1 về lượt tìm kiếm, nhờ đó, công ty này rất “hút hàng” quảng cáo trên toàn thế giới và tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD. “Cho không” dịch vụ cơ bản với chất lượng cao từ trước, người khổng lồ họ “Gúc” đã thu lợi nhuận sau đó và có sự phát triển ổn định, bền vững đến nay.
Ở Việt Nam, hàng triệu học sinh, sinh viên cũng gặp một công ty có yếu tố tương tự Google mang tên Viettel. Khi công ty này tung ra chính sách ưu đãi vô điều kiện dành cho sinh viên năm 2008 (tặng tiền và SMS miễn phí hàng tháng), rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt câu hỏi về tính bền vững của mô hình này bởi ai cũng nhìn thấy ngay cả trăm tỷ doanh thu bị hao hụt mà chưa rõ có thu về được gì hay không. Tiếp theo đó, Viettel còn áp dụng chính sách tương tự với cả học sinh.
Từ năm 2009, mỗi năm công ty này bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đưa Internet băng rộng miễn phí đến hàng chục nghìn trường học trên khắp đất nước và cũng không yêu cầu cam kết về sử dụng dịch vụ của mình. Bổ sung vào đó là nghiên cứu phần mềm quản lý giáo dục SMAS, trường học online Viettel Study, trao hàng trăm triệu đồng học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó mỗi năm...
Tất cả những chương trình đều được gọi đùa là “cảm ơn cuộc đời” của Viettel vì ít người nhìn thấy lợi nhuận từ đó. Dấu hỏi lớn về hiệu quả từng được đặt ra với khoản đầu tư lên tới cả nghìn tỷ cho giáo dục của Viettel.
Thế nhưng, giờ đây, nếu hỏi các sinh viên đang dùng mạng di động gì thì câu trả lời chiếm đa số là: Viettel. Điều tương tự xảy ra với tỷ lệ tương tự của học sinh phổ thông. Hàng nghìn tỷ đồng mà hãng viễn thông quân đội đầu tư bền bỉ, miễn phí và vô điều kiện cho ngành giáo dục giúp thương hiệu này ăn sâu, bám rễ vào tâm trí của thầy giáo, học sinh, sinh viên tại các trường phổ thông, đại học. Điều này thì không một chương trình hay ngân sách quảng cáo nào có thể mua được.
Nếu như nói đến Google, người dùng sẽ nghĩ ngay đến một công cụ tìm kiếm đáng tin cậy thì với Viettel (trong ngành giáo dục) đó là càm giác về một thương hiệu tử tế. Cả Viettel và Google có một điểm chung về hành động cũng như hình ảnh: họ đều cho đi nhiều trước khi được nhận lại và có được thiện cảm rất lớn từ khách hàng của mình.
Đến nay, khi mà Viettel chiếm tới gần một nửa thị phần thông tin di động tại Việt Nam, nhiều người mới giật mình nhận ra rằng: việc cho đi một cách bền bỉ, có hệ thống và tạo dựng hình ảnh của một thương hiệu tử tế có sức mạnh rất lớn.
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho ngành giáo dục là một hướng đi khác biệt của Viettel so với nhiều công ty khác trên thị trường và đang cho thấy tính hiệu quả rõ rệt. Triết lý kinh doanh bằng cách cho đi của hãng viễn thông quân đội có thể trở thành một bài học kinh điển nhưng không dễ thực hiện.