Gian nan doanh nghiệp khởi nghiệp - Bài 1

Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và người trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà khởi nghiệp hiện nay còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

NHỮNG KHÓ KHĂN CẢN BƯỚC DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP

Rào cản về chính sách, thủ tục hành chính, khó khăn trong tiếp cận vốn... là những rào cản đầu tiên khi các doanh nghiệp bắt tay vào khởi nghiêp.

Tham quan các gian hàng, mô hình khởi nghiệp của các lãnh đạo trẻ tại Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam năm 2016. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Rào cản về chính sách, thủ tục

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Điền, thành viên Nhóm Tư vấn đề án phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, trong những năm gần đây, nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng để phát triển kinh doanh, khởi nghiệp, nhưng cũng tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh mới. Để chủ động nắm bắt cơ hội từ hội nhập, đòi hỏi phải đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp. Do vậy, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đặt ra mục tiêu đến năm 2020: “Xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh”.

Song thực tế số doanh nghiệp khởi nghiệp và thành công vẫn còn khá thấp. Thủ tục hành chính, các quy định về thuế, quy định trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, khó khăn trong tiếp cận vốn… là những rào cản khi các doanh nghiệp bắt tay khởi nghiệp.

Cũng theo ông Điền, ở nước ta chưa có chính sách nào mang tên là chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng có nhiều chính sách tương đồng dưới tên gọi hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Tuy nhiên hạn chế chung của các chính sách ưu đãi là điều kiện tiếp cận, nhất là thủ tục hành chính. Điều kiện khởi nghiệp được hình thành tương đối đầy đủ trên các khía cạnh chính sách hỗ trợ tài chính, công nghệ, pháp lý… nhưng hoạt động khá rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất trong việc kết nối chúng với nhau, chưa tạo được hiệu ứng tích cực cho hoạt động khởi nghiệp.

Theo ông Nguyễn Phú Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngôi sao sáng, khó khăn hiện tại lớn nhất của doanh nghiệp là huy động nguồn vốn, không có vốn thì không thể đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng. Có những nguồn hỗ trợ của các cơ quan nhà nước nhưng không biết làm thế nào để tiếp cận các nguồn vốn đó, vì có quá nhiều thủ tục phức tạp.

Mặt khác, theo các chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là những doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động kinh doanh có quy mô siêu nhỏ, mang tính chất hộ kinh doanh cá thể. Doanh nghiệp khởi nghiệp thường thời gian đầu chưa có lợi nhuận, chưa đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường, chưa quan tâm đến quản trị doanh nghiệp.

Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN TP. HCM cho biết, thủ tục xét duyệt cho các đối tượng được hưởng ưu đãi còn quá phức tạp, quá rườm rà khiến các doanh nghiệp không hào hứng tham gia. Rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn về các thủ tục hành chính chưa gọn lẹ, gây phiền toái và mất thời gian của doanh nghiệp. Thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài và quản lý tài chính khá phức tạp là một trong những cản trở đối với việc triển khai nhanh các dự án cũng như mở rộng quy mô của nó cho phù hợp với sự chuyển biến năng động và liên tục của thị trường và của doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Cục Thống kê TP. HCM thực hiện trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh doanh phi chính thức đang là thành phần kinh doanh lớn ở Việt Nam. Đối tượng này thiếu động cơ thành lập doanh nghiệp vì ngại phiền phức về các vấn đề pháp lý, thủ tục thuế, thiếu am hiểu quản lý vận hành doanh nghiệp. Trong số đó có tới 73% cơ sở sản xuất không có ý định chuyển mô hình hoạt động lên doanh nghiệp. Ngoài ra, các khó khăn doanh nghiệp gặp phải như thiếu vốn (chiếm đến 60%), thủ tục hành chính, cạnh tranh kém, thiếu nhân lực, mặt bằng sản xuất, giá thành cao… dẫn đến sự bế tắc trên con đường khởi nghiệp.

Khó tiếp cận vốn

Anh Nguyễn Ngọc Hiền - một trong những gương thanh niên tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam khởi nghiệp thành công từ nghề trồng hoa kiểng. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Tiến sĩ Mã Văn Tuệ, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cho rằng, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, vốn là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng việc vay vốn từ ngân hàng của các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn do những chính sách tín dụng, điều kiện để được vay vốn… Sự cạnh tranh gay gắt trong kinh doanh ngày càng cao, vòng đời sản phẩm ngày càng bị rút ngắn đòi hỏi các doanh nghiệp muốn tồn tại phải luôn sáng tạo, đổi mới và tạo ra sự khác biệt để tránh bị đào thải thì doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đáp ứng kịp thời những vấn đề này. Doanh nghiệp khởi nghiệp thì chưa có kỹ năng và kinh nghiệm đối với quản trị dòng tiền, tiếp thị, tài chính, kiểm soát hàng tồn kho và quản trị con người.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp hầu hết bắt đầu bằng ý tưởng sáng tạo mới mẻ, dựa trên kỹ thuật, công nghệ cao, tri thức khoa học, kinh doanh vào lĩnh vực mới. Đặc điểm của loại hình này là ý tưởng sáng tạo khá phong phú nhưng thiếu kinh nghiệm nên khả năng thành công tương đối thấp.

Trong điều kiện hiện nay, ngân hàng không đủ khả năng và nguồn lực để thẩm định hiệu quả thực tiễn của ý tưởng cũng như nhu cầu của thị trường đầu ra đối với các ý tưởng mới này. Bên cạnh đó, việc thiếu các cơ quan, hiệp hội chuyên ngành độc lập để đánh giá hiệu quả các ý tưởng kinh doanh sản xuất mới cũng gây khó khăn trong quá trình thẩm định, không có đủ cơ sở để ngân hàng đánh giá phương án kinh doanh. Hầu hết các ngân hàng đều muốn quản lý rủi ro chặt chẽ, không để phát sinh nợ xấu,vì vậy khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp càng hạn chế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần bắt đầu từ ý tưởng, thế nhưng ý tưởng kinh doanh không phải là tài sản đảm bảo nợ vay. Dẫn đến khó khăn cho ngân hàng trong quyết định cấp tín dụng vì không đảm bảo được các điều kiện quản lý rủi ro. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng thường gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, chưa có bộ máy điều hành quản trị doanh nghiệp, do đó cũng hạn chế trong hồ sơ pháp lý để ngân hàng cấp tín dụng.

Việc thiếu minh bạch về báo cáo tài chính, tài sản, thuế của hầu hết các DNVVN, doanh nghiệp siêu nhỏ… làm gia tăng rủi ro cho ngân hàng khi quyết định cấp tín dụng cũng là nguyên nhân làm cho vốn ngân hàng không đến được với doanh nghiệp khởi nghiệp.

(Còn tiếp)

Việt Âu (TTXVN)
Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Ngay từ đầu năm nay, nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp đã thông báo rót vốn vào các dự án khởi nghiệp ngành nông nghiệp công nghệ cao và đang tiếp tục tìm dự án triển vọng để đầu tư trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN