Doanh nghiệp và góc nhìn CSR

Gần đây, 3 chữ “C S R” rộ lên như một “hiện tượng” ở các doanh nghiệp. Người ta bắt đầu đi tìm hiểu ý nghĩa của nó để có những cải tiến xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Hiểu về CSR

CSR viết tắt của Corporate Social Responsibility – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được các doanh nghiệp khai thác ở nhiều góc nhìn khác nhau. Có đơn vị thì cho là thực hiện công tác thiện nguyện, tài trợ xã hội, chính sách an toàn lao động, nhưng đơn vị khác thì hiểu đó là văn hoá doanh nghiệp, làm xanh hoá môi trường doanh nghiệp, sản xuất sạch, nguyên liệu xanh. Dù ở cách hiểu nào, thì sự hấp dẫn của CSR cũng mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích trong việc gia tăng hình ảnh thương hiệu đối với sự nhận biết của công chúng. Trong phạm vi hoạt động sản xuất, làm tốt CSR là bước đệm cho quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm bền vững. CSR khuyến khích doanh nghiệp làm tốt hơn vai trò hiện tại để sẻ chia các vấn đề xã hội.

Nhà máy của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.


Các nhà nghiên cứu xã hội đã chỉ ra rằng, lòng tin của công chúng có thể xét trên nhiều phương diện. Theo công thức TRUST, mỗi chữ cái đại diện cho một nhân tố, một chiến lược hành động để xây dựng lòng tin của công chúng. Trong đó, T = Truth (việc xây dựng niềm tin phải được đặt trên nền tảng của sự trung thực), R=Reliable (sự tin cậy), U= Understanding (sự thấu hiểu và lắng nghe), S= Service (sự hỗ trợ của dịch vụ), T= Take the time (hiện diện để thăm hỏi, quan tâm và giải quyết những khúc mắc).Trên cơ sở này, để tăng cường niềm tin của công chúng, một thương hiệu cần giảm bớt việc tiếp thị bản thân và tăng cường sự tiếp xúc với công chúng.

Ngoài ra, nếu người tiêu dùng được mách bảo nhiều về tiếng tăm hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp nào đó, thì họ có nhiều khả năng để lựa chọn mua hàng hoá đó hơn so với các sản phẩm cùng loại được trưng bày trước mắt. Cũng có thể họ được biết thông tin sản phẩm dịch vụ qua quảng cáo, truyền thông hoặc bị hấp dẫn bởi các chương trình khuyến mãi: Giảm giá, tặng kèm… Như vậy, tiếng tăm của doanh nghiệp ít nhiều cũng tạo ra một lý lịch ấn tượng cho sản phẩm, dịch vụ xuất hiện trên thị trường. Nó giống như một sự “tự giới thiệu”: Sản phẩm này tốt, dịch vụ kia được nhiều đối tượng chọn dùng. Do đó, mức độ tin tưởng cũng gia tăng lũy tiến.

Nếu xét ở khía cạnh môi trường môi sinh, CSR làm người tiêu dùng tin tưởng bởi tính an toàn, vệ sinh, tốt cho sức khỏe con người, các hoạt động sản xuất kinh doanh không gây ảnh hưởng đến khu vực lân cận. Nói như vậy để hiểu rằng doanh nghiệp làm CSR không phải để đánh bóng thương hiệu và hô hào tên tuổi, mà là một sự đầu tư lâu dài và nghiêm túc, đúng với bản chất ngành nghề cốt lõi đang kinh doanh: đầu tư cho hạ tầng cơ sở, môi trường, đầu tư cho sản phẩm và minh bạch đối với các vấn đề thuộc về đạo đức kinh doanh (sự cam kết chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu, sự công bố tài chính,…). CSR còn hướng đến những hoạt động có lợi cho người tiêu dùng, như một sáng chế mang tính tiết kiệm, thay đổi hoặc cải tiến những thiết bị chuyên dụng để giảm chi phí giá thành sản xuất, chia sẻ các vấn đề pháp lý trong luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những kế hoạch đầu tư chính đáng có bài bản, có chiến lược của hôm nay ắt hẳn sẽ sinh lãi cho mai sau.

Một “thương hiệu trách nhiệm” sẽ hiểu và phổ biến CSR để triển khai trong doanh nghiệp, làm cho công chúng tin tưởng doanh nghiệp hoạt động đúng với những lời cam kết của mình: Kinh doanh có trách nhiệm và luôn đặt lợi ích, quyền lợi của khách hàng lên trên hết. Với ý thức này, các doanh nghiệp không chỉ triển khai các hoạt động kinh doanh tạo lợi nhuận đơn thuần, mà còn hướng tới các dự án đột phá mang tính cộng đồng để lan tỏa tinh thần này đến nhiều công dân doanh nghiệp khác.

Chập chững CSR

Làm việc tại một toà nhà văn phòng trong lành, yên tĩnh, môi trường thân thiện, trang thiết bị hiện đại… đó cũng là mơ ước của những người đi xin việc. Xu hướng tạo ra không gian xanh nơi làm việc sẽ gợi mở nhiều ý tưởng sáng tạo, kích thích khả năng nhạy bén, nhanh nhẹn, chủ động với công việc. Có lẽ vậy mà nhiều công ty đã chú trọng đến đặc điểm này như một nét văn hoá xanh trong doanh nghiệp. Có dịp tham quan tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP)– nơi sản xuất các sản phẩm trà thảo mộc Dr Thanh, trà xanh Không Độ, nước tăng lực Number 1… doanh nghiệp này đã lan truyền một nét văn hoá “động” trong công ty – nhanh nhẹn, tất bật, chuyển động liên tục với nhiều dự án có sự tham gia đồng nhất từ các cấp. Ở THP mới biết công việc “chạy” không ngừng nghỉ giữa các khối sản xuất, văn phòng cùng phối hợp để cung ứng sản phẩm ra ngoài thị trường kịp lúc. Mặc dù vậy, THP vẫn giữ lửa đam mê cho nhân viên bởi nuôi dưỡng tinh thần “không gì là không thể”. Khắp nơi trong khuôn viên làm việc là những châm ngôn về thái độ, suy nghĩ, cách sống và làm việc hướng tới chân – thiện – mỹ, tới sự yêu thương, đoàn kết. Mỗi buổi sáng có thể nghe thấy những khúc nhạc hoành tráng đầy phấn khích cho một ngày mới năng động. Dự án “Nước là hơi thở” cũng là một thông điệp trong hoạt động CSR mà THP lan toả đến nhân viên học cách tiết kiệm. Đây cũng là 1 góc nhìn từ CSR khi doanh nghiệp này kiến tạo môi trường văn hoá, phổ cập và định hướng cho nhân viên ngay từ khi nhận việc. Tại khu vực nhà máy sản xuất của THP, các dây chuyền chiết rót tự động khép kín theo công nghệ sản xuất châu Âu với công suất 60.000 chai/giờ, đáp ứng năng lực sản xuất mạnh mẽ để cung ứng liên tục cho thị trường. Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm được xem là trung tâm khoa học và ứng dụng phát triển chuyên biệt, từ việc hình thành ý tưởng sản phẩm, thử mẫu kiểm chứng và đưa vào sản xuất thực tiễn, trên tinh thần sáng tạo, khác biệt, đột phá. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải rất hiện đại của Ý với số tiền đầu tư lên tới 3 triệu USD để kiện toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn trong hệ thống quản lý môi trường ISO14001. Toàn bộ nước thải sau khi xử lý được thải ra đúng nơi quy định tỉnh Bình Dương cho phép, đạt QCVN 24:2009/BTNMT (Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp). Hệ thống xử lý nước thải này vượt qua những tiêu chí, kiểm tra, lắp đặt Camera quan trắc tự động 24/24 – được kết nối trực tiếp với Sở Tài nguyên Môi trường. Ông Tào Mạnh Quân – Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương xác nhận: Nước thải sau khi xử lý của THP đều có thông số ô nhiễm đạt quy chuẩn QCVN trước khi thải ra môi trường. Chi cục đánh giá cao về ý thức trách nhiệm của THP trong công tác bảo vệ môi trường.

CSR có thể xoay chuyển ở nhiều góc nhìn, cách nghĩ và ứng dụng khác nhau ở mỗi doanh nghiệp, nhưng “điểm tốt” của CSR chỉ có thể cộng cho doanh nghiệp có phương hướng hoạt động và đề xuất đúng với tinh thần “thương hiệu trách nhiệm”. Còn nhiều những doanh nghiệp đang bấm nút khởi động CSR, công chúng đang chờ kết quả!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN