Doanh nghiệp cần cảnh giác trong thanh toán quốc tế

Các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp như trả chậm, chuyển tiền hay nhờ thu trong thanh toán quốc tế.

Thương mại quốc tế ngày càng phát triển với việc xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới và tất yếu đi kèm với việc trao đổi đồng tiền trên thị trường ngoại tệ. Vì vậy, lĩnh vực thanh toán quốc tế hiện nay không chỉ tiềm ẩn rủi ro về biến động tỷ giá mà còn xuất hiện những vụ lừa đảo do ứng dụng phương thức giao dịch tự động và thiếu an toàn. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo "Thanh toán quốc tế trong hoạt động xuất nhập khẩu" do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 5/12.

Thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, từ năm 2013 đến năm 2016, đã có khoảng 22.000 vụ lừa đảo, thiệt hại 3,1 tỷ USD. Các vụ lừa đảo này diễn ra ở 79 quốc gia và  tội phạm tập trung chủ yếu từ các tổ chức tại Đông Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông. Điều này cho thấy, thương mại quốc tế đã và đang đối diện với nguy cơ bị lừa đảo trong hoạt động thương mại quốc tế và thanh toán điện tử, khi cơ sở pháp lý bị giới hạn ở biên giới của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp và các hợp đồng giao thương.

Đánh giá về tình hình thanh toán quốc tế tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc phục trách Trung tâm thanh toán quốc tế, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình cho hay, từ năm 2013 đến nay, phát sinh và nở rộ xu hướng doanh nghiệp chuyển sang phương thức chuyển tiền, thanh toán trực tiếp, ít sử dụng những biện pháp phòng ngừa và phương thức thanh toán qua ngân hàng hay tổ chức tín dụng để giảm chi phí. Tuy nhiên, với những phương thức này, doanh nghiệp đối diện với rủi ro bị tội phạm công nghệ tấn công, nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp chỉ trao đổi và giao dịch qua Internet.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu với hơn 180 nước và vùng lãnh thổ; trong đó tập trung vào một số đối tác chính như: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, các nước ASEAN, Trung Quốc... Trong những năm qua, kim ngạnh xuất nhập khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng qua các năm và đơn cử như năm 2016 đạt 349,2 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, trong xu hướng chung của toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa"quan hệ đối ngoại. Bởi thương mại quốc tế là quá trình trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các nước thông qua buôn bán nhằm mục tiêu kinh tế, đây cũng là lĩnh vực quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, quá trình trao đổi này diễn ra ở một thị trường gọi là thị trường ngoại hối, đồng tiền được chọn giao dịch phải có khả năng chuyển đổi cao cũng như được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế mạnh.

Trước bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng có quy mô lớn và tăng trưởng nhanh, với trao đổi hàng hóa, dịch vụ hay thực hiện gia công không còn giới hạn trong phạm vi một quốc gia. Đồng thời, phát triển không ngừng cùng xu hướng gia tăng mở cửa nền kinh tế của các nước, thương mại quốc tế cũng phát triển phức tạp hơn, thể hiện qua nhiều phương thức kinh doanh mới như: thương mại điện tử, mua bán nợ thương mại, cho thuê tài chính...

Mặt khác, thanh toán quốc tế là một mảng không thể tách rời đối với hoạt động thương mại quốc tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, song cũng được đánh giá là lĩnh vực có nhiều rủi ro với việc lừa đảo trong hoạt động xuất nhập khẩu, gây thiệt hại không nhỏ đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Đơn cử, đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu đối mặt với những "khuyết tật" của khâu thanh toán tiền hàng, mất khả năng thanh toán, sai sót chứng từ...

Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân Bizlight cho hay, các rủi ro trong thanh toán quốc tế là những vấn đề xảy ra ngoài ý muốn trong quá trình thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các chủ thể tham gia giao dịch. Đồng thời có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong quá trình thực hiện giao dịch và với bất cứ chủ thể nào như: nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu hay ngân hàng.

Chính vì vậy, ông cho rằng, đối với thương mại quốc tế và thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch, nên mua bảo hiểm tỷ giá trong trường hợp tình hình tỷ giá biến động phức tạp và khó dự báo. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp như trả chậm, chuyển tiền hay nhờ thu.

Một số chuyên gia khác cũng lưu ý các doanh nghiệp về biện pháp phòng ngừa rủi ro trong mỗi giao dịch thương mại, thanh toán quốc tế đều phải đảm bảo hai bước xử lý độc lập với điều kiện cả người soạn lệnh lẫn người phê duyệt phải kiểm tra các chi tiết thanh toán và xác thực yêu cầu thanh toán trước khi soạn lệnh hay phê duyệt để đảm bảo không có sự giả mạo, lừa đảo. Còn đối với những thanh toán tới đối tác mới hay lần đầu tiên giao dịch cần thêm một bước xác thực những thông tin tài chính, thông tin cá nhân và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mỹ Phương (TTXVN)
Tạo cơ chế thúc đẩy thanh toán điện tử
Tạo cơ chế thúc đẩy thanh toán điện tử

Xu hướng thanh toán điện tử giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng nói chung và các phương tiện thanh toán mới nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN