Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen nói về dự án B’Nom Lumu - Hoa Sen

Gặp ông Lê Phước Vũ (ảnh), Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen kiêm chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen sau chuyến đi Monaco dự giải “Doanh Nhân Toàn cầu của năm” và được ghi tên lên “Bức tường vinh danh” cùng những doanh nhân thế giới thành đạt nhất của năm, bên cạnh sự phấn khởi, hào hứng sau chuyến đi, lại xen lẫn những ưu tư khi ông trao đổi với chúng tôi xung quanh dự án “Trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh B’Nom Lumu - Hoa Sen”.


Ông nói: “Trong khi đang đại diện doanh nhân Việt Nam để nói lên tiếng nói vinh dự của Việt Nam tại Giải thưởng “EY- doanh nhân toàn cầu của năm”, tôi lại nghe tin không vui từ trong nước, là Dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và du lịch sinh thái - tâm linh của chúng tôi tại Lâm Đồng, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép và đang triển khai, nhưng tiến độ thực hiện vẫn chưa thông suốt do một số vướng mắc chưa giải quyết được. Nhưng nản lòng nhất không phải vì “sự không thông suốt” của một số hộ dân, mà vì trong khi sự việc chưa ngã ngũ thì một số thông tin mang tính một chiều, được đăng tải, chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”.

* Vậy, thưa ông dự án đang gặp trở ngại gì?

Dự án “Trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh B’Nom Lumu - Hoa Sen” được xây dựng trên diện tích gần 600 ha, trong đó 361 ha là đất có rừng và phần còn lại là đất nông nghiệp. Sau khi có dự án này, vùng đất nơi đây đã thay đổi, nhiều hộ nhờ bán được rẫy, vườn ở xa cho công ty nên có tiền chuyển sang canh tác vườn cây ăn trái quanh nhà, đời sống khá hơn, không phải đi xa làm vườn, cuốc rẫy. Hàng chục con em của các gia đình ở địa phương và lân cận còn được công ty nhận vào làm công nhân. Tuy nhiên, khi có dự án thì ở đây lập tức giá đất bị đẩy lên rất cao. Ví dụ ban đầu chúng tôi nhận chuyển nhượng đất của người dân theo giá thỏa thuận từ 61,5 triệu đồng đến trên 300 triệu đồng/ha, sau đó nhiều hộ dân tự tăng giá lên 400 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha, cao hơn mặt bằng giá đất hiện hữu ở đây gấp nhiều lần nên chúng tôi dừng việc nhận chuyển nhượng đất. Vì vậy, khi dự án triển khai, một số ít người dân đã gây khó, họ vào rừng chặt cây mum, đốt tổ ong phá rừng, khi nhân viên nhắc nhở thì bị họ đe dọa và chúng tôi đã báo với chính quyền địa phương xử lý.

* Được biết, trước khi dự án thực hiện, 12 hộ dân ở đây thường đi lên rẫy bằng con đường đất, rộng khoảng 4 đến 6 mét, nhưng Công ty đã đóng con đường này và xây con đường mới, có chốt kiểm soát nên đã gặp sự phản ứng của người dân. Ông có thể cho biết mục đích của việc xây con đường mới này. Con đường này có gây khó khăn đi lại cho người dân địa phương không, thưa ông?

Con đường cũ người dân đi lại lên rẫy hiện nằm trong quy hoạch của dự án. Để tạo điều kiện cho việc triển khai dự án, chúng tôi đã làm một con đường trải nhựa mới rộng 7m và 2m lề để trồng cỏ. Ngày 13/4/2015, UBND huyện Đạ Huoai ra CV 243a/UBND đồng ý cho công ty điều chuyển đoạn đường đất hiện hữu dài khoảng 600m qua phần đường nhựa công ty đã thi công và người dân được đi trên con đường nhựa mới này, không hề có chuyện cản trở dân đi lại.

Con đường mới do công ty xây dựng.


Công ty là đơn vị quản lý rừng, nhằm mục đích bảo vệ rừng, phòng tránh cháy rừng, chúng tôi cũng đã gửi công văn đến UBND huyện Đạ Huoai xem xét làm barie và chòi canh rừng và được UBND huyện Đạ Huoai đồng ý nên đã tiến hành làm chốt bảo vệ có barie. Theo tôi, việc kiểm soát người dân qua lại là việc cần thiết của DN để đảm bảo công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, đảm bảo an ninh và quản lý tài sản của dự án. Dĩ nhiên, khi áp dụng cách quản lý này sẽ gây khó chịu cho một số người dân ở đây, song tôi khẳng định: Dù kiểm soát nhưng chúng tôi không hề gây khó dễ hay ngăn cản người dân đi vào rẫy của họ, đặc biệt không cấm bất cứ người dân nào đi qua con đường này.

Thiết nghĩ, việc bảo vệ quyền lợi của người dân là đúng đắn. Song, cũng cần sự công tâm tỉnh táo và khách quan. Hơn nữa chúng tôi cũng là những người mang công sức, tiền của ra đầu tư, mong muốn làm thay đổi và mang lại diện mạo cho một vùng đất mới thì cũng rất cần được sự hỗ trợ, bảo vệ. Thay vì Nhà nước phải làm thì doanh nhân chúng tôi tiên phong thực hiện. Vậy lẽ nào chúng tôi không được bảo vệ và khi gặp vướng mắc, trở ngại lại chỉ có một mình?

* Dư luận cho rằng dự án chiếm giữ con suối duy nhất cung cấp nước tưới tiêu cho các hộ dân khiến người dân không có nước tưới, ý kiến của ông ra sao?

Tại thông báo kết luận số 103/TB – UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng và công văn số 342/UBND của UBND huyện Đạ Huoai đều khẳng định: “Do tính chất đặc thù của dự án, nguồn nước này là cốt lõi của dự án, do vậy, nguồn nước này sẽ được sử dụng phục vụ cho nhu cầu của dự án. UBND huyện chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát nguồn nước khác phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng (không chỉ riêng cho các hộ liên quan đến dự án), lập hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt trong năm 2015”. Ngoài ra, trong giấy chứng nhận đầu tư có điều 7 về ưu đãi đầu tư như sau: Trong thời gian thực hiện, dự án được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước. Sau khi đưa dự án vào hoạt động được miễn tiền thuê đất, mặt nước thêm 11 năm theo quy định của Chính phủ. Riêng từ khi nhận quản lý bảo vệ rừng đến nay công ty đều đóng tiền thuê rừng hàng năm. Qua đó tôi khẳng định: Không có chuyện dự án chiếm giữ con suối.

Còn thông tin cho rằng đây là con suối duy nhất phục vụ sinh hoạt cũng như tưới cây cho người dân là hoàn toàn không đúng, vì bên cạnh con suối này còn có những con suối khác có thể khai thác nguồn nước để phục vụ tưới cây nông nghiệp. Khi có thông báo kết luận số 103/TB - UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan chức năng đã tiến hành tìm nguồn nước khác để thay thế nguồn nước này, và trước mắt chính quyền địa phương đã cung cấp 7 máy bơm nước và đường ống để phục vụ bà con lấy nước tưới cây từ một con suối thứ 2 khác. Hơn nữa, hiện tại đang là mùa mưa nên vấn đề nước để phục vụ tưới cây nông nghiệp thực sự không phải là vấn đề cấp thiết.

* Xin cảm ơn ông.

Ý Nhi
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ khởi công Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ khởi công Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An

Ngày 4/10, tại Khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN