Giá vàng trong nước hôm qua “nhảy múa” chóng mặt. Nếu mở cửa thị trường sáng qua giá vàng bán ra mới đứng ở mức 36,5 triệu đồng/lượng thì đến giữa buổi sáng đã vọt lên 38,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng nóng đến mức Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định "khẩn" về việc cho phép nhập khẩu vàng. Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng về quanh mức 36,7 triệu đồng/lượng.
Mua vàng, mua rủi ro?
Bất chấp giá vàng tăng cao kỷ lục nhưng phiên hôm qua thị trường vàng hầu như toàn người mua. Tại thị trường Hà Nội, ngay khi mở cửa thị trường giao dịch vàng, người dân đã chen chân tại các các điểm kinh doanh vàng để rồng rắn xếp hàng mua vàng.
Nhiều người đến đợi mua vàng tại cửa hàng vàng Phú Quý, Hà Nội (ảnh chụp sáng 9/11). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Trưởng phòng kinh doanh vàng miếng của một doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội cho hay, tình trạng khách hàng mua vàng đã diễn ra trong 4 - 5 ngày trở lại đây, nhiều khách đã mua với khối lượng lớn từ ngày hôm qua. “Người dân mua vàng bất chấp giá cao, vì thấy cứ mua hôm trước hôm sau là đã có lãi”, vị này nói.
Thậm chí, giá vàng càng tăng, thì nhu cầu mua vàng càng lớn. Bất chấp giá vàng tăng lên mức đỉnh 38,2 triệu đồng trong sáng qua, số lượng khách mua vẫn tăng vọt, dẫn tới tình trạng phải xếp hàng để đảm bảo trật tự trên các tiệm vàng lớn thuộc khu vực Trần Nhân Tông, Hà Nội. Nhiều khách hàng mua vàng đã không nhận được hàng ngay mà chỉ nhận được phiếu hẹn trả hàng sau vài ngày.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho biết, sáng qua, công ty bán ra tới 2.500 lượng và mua vào chỉ 300 lượng. Khi giá vàng ở mức đỉnh là 38,02 triệu đồng/lượng thì toàn thấy người mua. Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho hay, số lượng khách đến giao dịch với khối lượng lớn từ 20 - 30 lượng khá nhiều. Thậm chí, có khách đến giao dịch với khối lượng hàng trăm lượng.
Chính sức mua tăng đột biến đã kéo giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Cuối phiên hôm qua, mặc dù có quyết định cho phép nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước, giá trong nước vẫn cao hơn giá thế giới 1,4 triệu đồng/lượng.
Theo bà Cúc, với khoảng cách trên, giá vàng trong nước đang chênh lệch một cách bất hợp lý với giá vàng thế giới và rủi ro thuộc về người mua vàng. "Với độ chênh lớn như hiện nay, giá vàng trong nước gần như tách rời giá vàng thế giới và chúng tôi còn khuyên mọi người đừng vội đi mua vì sẽ có rủi ro. Bởi phụ thuộc vào nhiều biến số như: Giá thế giới, tỷ giá ngoại tệ... nên rất khó lường. Hơn nữa, khi giá vàng đang biến động mạnh, các DN để giá mua bán chênh lệch rất xa. Bình thường, giá vàng miếng mua vào - bán ra chỉ cách 40.000 - 50.000 đồng/lượng nhưng hiện nay để tới 400.000 - 500.000 đồng/lượng nên rủi ro càng thuộc về phía người mua.
Thị trường vàng có bị làm giá?
Theo lý giải của giới kinh doanh vàng, sức nóng của giá USD trên thị trường tự do đã khiến kim loại quý liên tục bị đẩy lên cao. Thêm vào đó, sau một thời gian giao dịch trầm lắng thì nhà đầu tư trong nước cũng mạnh tay mua vào khiến vàng trong nước càng gia tăng khoảng cách với giá thế giới. Tuy nhiên, giá vàng tăng nóng, đắt hơn nhiều so với giá thế giới và việc nhiều cửa hàng dừng bán ra khiến nhiều ý kiến lo ngại thị trường vàng đã bị làm giá.
Đại diện của Hiệp hội kinh doanh vàng khẳng định, không có chuyện thao túng giá vàng. DN phải hạn chế bán ra vì phải cân đối với lượng tồn kho và lượng mua vào. Thị trường không có cung ứng thì DN phải bán cầm chừng. Nếu nhìn thấy nguồn thì mới dám bán mạnh tay được. Đại diện PNJ cũng cho rằng, nhiều DN không dám bán vì không có đầu vào. Chính vì khan hiếm nên giá vàng càng bị đẩy lên. Thậm chí để có nguồn, các DN phải mua từ các DN khác nên giá càng tăng.
Hiệp hội kinh doanh vàng cũng cho biết, chưa thể thu hẹp ngay khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi, phải mất vài ba ngày thì lượng vàng nhập khẩu mới về đến Việt Nam.
Thu Hường