Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mục đích của cuộc hội thảo là tăng cường nhận biết, hiểu biết của doanh nghiệp về kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài, nhất là Lào và Campuchia.
Thời gian qua, Việt Nam khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài; trong đó có Lào và Campuchia. Đây là xu thế, bởi nhiều nhà đầu tư đã đầu tư ra nước ngoài và đang làm ăn có hiệu quả tại nhiều quốc gia. Đây là tín hiệu tích cực thể hiện xu hướng phù hợp với tình hình hiện tại.
EVN đầu tư ra nước ngoài các dự án thủy điện. |
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, đằng sau những thành công của các doanh nghiệp thì phải kể đến sự ủng hộ và luôn đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp trong việc đầu tư ra nước ngoài. Đặc biệt là các nước có quan hệ truyền thống như Lào, Campuchia.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, để đầu tư có hiệu quả thì doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ pháp luật không chỉ của Việt Nam mà còn phải tuân thủ cả pháp luật của nước sở tại. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt trước khi đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải có nguồn thông tin tốt, phòng ngừa những tranh chấp, đồng thời doanh nghiệp cần có sự liên kết với nhau... Một thách thức nữa đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là sự thay đổi về chính sách của các nước sở tại, xung đột về văn hoá... là những rào cản mà các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua.
"Do đó, tôi cho rằng cần chia sẻ các bài học thành công, kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi trước, chia sẻ cho các doanh nghiệp sau. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại. Đặc biệt là những quy chuẩn của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực môi trường, an sinh xã hội, điều đó mang lại giá trị bền vững cho đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Quang Tú, đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam , đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam thời gian qua không ngừng tăng qua các năm cả về số dự án và số vốn. Giai đoạn 1989 - 2015, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 1.049 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 21 tỷ US D. Lào và Campuchia là 2 thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều dự án đầu tư của Việt Nam nhất. Nông - lâm - thuỷ sản là lĩnh vực Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 2 về số vốn sau khai khoáng.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực địa của Oxfam cho thấy, còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư tại các nước sở tại như: chính sách, đất đai, văn hoá... Do đó, ông Tú cũng kiến nghị các nhà đầu tư nên tham vấn với các cộng đồng bị ảnh hưởng trong suốt quá trình đầu tư; xây dựng và thúc đẩy thực thi hướng dẫn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - áp dụng với nhiều lĩnh vực và các giai đoạn khác nhau trong quá trình triển khai dự án...