Điện thoại cố định bị “ghẻ lạnh”

Khi điện thoại di động trở nên phổ biến, điện thoại cố định đã bị người dân đối xử “ghẻ lạnh” và dần dần bị “lãng quên”, bởi khi cần liên lạc, theo thói quen, mọi người lại nghĩ tới chiếc điện thoại cầm tay hơn là điện thoại bàn.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 1/2011, cả nước ước tính có 174,1 triệu thuê bao điện thoại, tăng 35,3% so với cùng thời điểm năm 2010, bao gồm 16,5 triệu thuê bao cố định và 157,6 triệu thuê bao di động.


Riêng trong tháng 1/2011, số thuê bao phát triển mới là 3 triệu thuê bao, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó số thuê bao điện thoại cố định mới chỉ vỏn vẹn khoảng 10,7 ngàn thuê bao.

Khi cần liên lạc, mọi người chỉ nghĩ ngay đến điện thoại di động mà ít nhớ tới điện thoại cố định.


Tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) TP.HCM, doanh thu thuê bao điện thoại cố định năm 2010 so với năm 2009 giảm đến 10 lần. Điều này cho thấy, điện thoại cố định đang bị lấn át bởi điện thoại di động.

Có một thực tế dễ nhận thấy hiện nay: Các điểm bưu điện công cộng hầu như luôn ế ẩm. Chị Trúc - đại lý bưu điện VNPT trên đường D2 (quận Bình Thạnh), cho biết: “Phần lớn khách đến bưu điện chỉ đóng tiền điện thoại, hoặc mua sim, card điện thoại di động.

Chính vì thế, doanh thu trước kia của bưu điện phần lớn là cước điện thoại cố định, thì nay chỉ nhờ vào hoa hồng của việc bán sim, card điện thoại di động”. Anh Nam Hưng, nhà ở quận 12, cho biết: “Mặc dù hàng ngày liên lạc với mọi người bằng điện thoại di động, nhưng gia đình tôi vẫn để thuê bao điện thoại cố định vì.... gia đình tôi có vay vốn ngân hàng”. Bởi hầu hết các ngân hàng hay quỹ tín dụng đều yêu cầu khách hàng vay vốn, ngoài chứng minh thu nhập, còn phải có hóa đơn thanh toán tiền thuê bao điện thoại cố định, điện, nước trong tháng gần nhất, nhưng phải là đứng tên chủ thuê bao để chứng minh nơi ở hoặc nơi đang làm việc.

Nỗ lực cải thiện dịch vụ

Tuy nhiên, ông Võ Hòa Bình - Phó Giám đốc VNPT TP.HCM, cho rằng trước đây chỉ thực hiện gọi và nghe, nhưng giờ đây điện thoại cố định đang dần hoàn thiện những tiện ích của mình để nâng cao chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn, với dịch vụ báo giờ (quay số 117 để nghe báo giờ từ hệ thống) và báo thức tự động, có thể thay thế hoàn toàn cho chiếc đồng hồ - tương tự tính năng của chiếc máy điện thoại di động.

Ở góc độ nào đó còn có những dịch vụ cộng thêm ưu việt hơn những chiếc điện thoại di động dòng phổ thông, như dịch vụ quay số rút gọn (hay quay số tắt - ghi nhớ cả một dãy số dài, như số máy ở nước ngoài dài gần 20 con số) bằng hai chữ số, rất tiện cho người già.

Hay như dịch vụ điện thoại hội nghị (còn gọi là dịch vụ điện thoại tay ba), nghĩa là ba người ở ba nơi có thể cùng nói chuyện với nhau, dịch vụ chuyển cuộc gọi - chuyển số máy của mình sang một máy khác (là máy cố định khác hay máy điện thoại di động) để nghe cuộc gọi đến khi phải đi ra ngoài.

Rồi cũng có những dịch vụ gia tăng giống như ở các mạng di động như nhận biết số thuê bao gọi đến, ngăn cuộc gọi đến (nếu không muốn nhận) và ngăn hướng gọi đi (quốc tế, liên tỉnh,…).

Có điều phải công nhận là giá cước và giá điện thoại bàn cực rẻ so với điện thoại di động, thời gian sử dụng lại rất lâu so với máy di động. Thêm vào đó, điện thoại để bàn không cần nguồn điện, còn điện thoại di động nếu bị mất điện lâu dài (trường hợp bị thiên tai, bão lũ chẳng hạn) thì chẳng khác nào bỏ “cục gạch” trong túi. Thế nên, ở những nơi điện phập phù, thường xuyên phải “sống chung với bão, lũ” thì điện thoại bàn là tiện ích nhất.

Theo ông Võ Hòa Bình, điều quan trọng hơn cả là tính ổn định, chất lượng đảm bảo (nhất là khi dùng các dịch vụ băng thông rộng) của đường dây vật lý – tức đường dây cáp mà chỉ mạng cố định mới có so với các đường thông tin vô tuyến (2G, 3G, WiFi, WiMax, rồi 4G,…) hiện thời và cả trong tương lai. 

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN