Các nhiệm vụ này bao gồm Xposat nghiên cứu bức xạ vũ trụ năm 2020, Aditya L1 nghiên cứu Mặt Trời năm 2021, thăm dò quỹ đạo sao Hỏa Mangalyaan-2 năm 2022, thăm dò sao Kim năm 2023, thăm dò cực Mặt Trăng Chandrayaan-3 năm 2024 và Exoworlds để thăm dò không gian bên ngoài hệ Mặt Trời vào năm 2028.
Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), ông Kailasavadivoo Sivan cho hay các sứ mệnh Aditya L1 và Xposat đã được xác định rõ, trong khi các sứ mệnh khác đang trong quá trình lên kế hoạch. Theo ông Sivan, sứ mệnh nghiên cứu Mặt Trời Aditya L1 sẽ đưa vệ tinh vào quỹ đạo cách Trái Đất 1,5 triệu km, và có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu cũng như dự báo về tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.
Trong khi đó, tàu Xposat sẽ hoạt động trong 5 năm, mang theo một phân cực kế do Viện nghiên cứu Raman (Ấn Độ) chế tạo để đo bức xạ vũ trụ. Tàu này sẽ được đưa vào quỹ đạo cách Trái Đất từ 500-700 km.
Trong năm nay, sứ mệnh lớn nhất của ISRO, Chandrayaan-2, sẽ được thực hiện vào tháng 7 tới. Các thành phần của tàu Chandrayaan-2 gồm thiết bị bay quanh quỹ đạo, tàu đáp và thiết bị tự hành, đang trong những giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.