Kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục
Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho thấy, cơn bão số 3 đã khiến gần 9.000 con gia súc và hơn 350.000 con gia cầm trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị chết do ngập lụt và lũ cuốn trôi, tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Một số địa phương vùng rốn lũ có đàn gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng như các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái.
Tính riêng huyện Trấn Yên, nước lũ ngập lâu ngày đã gây thiệt hại trên 220.000 con gia súc, gia cầm. Ngay sau khi nước rút, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái đã tăng cường cán bộ về tận các thôn, bản cùng lực lượng thú y cơ sở kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi các biện pháp khắc phục hậu quả, đồng thời tổ chức cứu trợ và hướng dẫn người dân cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh dịch cho các hộ chăn nuôi phải di chuyển gia súc, gia cầm lên cao tránh lũ.
Ông Lê Văn Luyện, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết, trước khi nước rút các hộ chăn nuôi đã được tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp xử lý, trọng tâm là việc thu gom, tiêu hủy, chôn lấp xác động vật trôi nổi theo nguồn nước để đảm bảo vệ sinh môi trường; nhanh chóng vệ sinh tiêu độc khử trùng, khơi thông cống rãnh, sửa chữa chuống trại, dọn dẹp khu vực chăn nuôi, chăn thả gia súc để triệt tiêu mầm bệnh.
Đồng thời, yêu cầu các hộ chăn nuôi tạm thời nuôi nhốt, tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm, cho vật nuôi sử dụng nước sạch; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường; chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi, bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi.
Để phát hiện, xử lý và ngăn ngừa kịp thời dịch bệnh, các hộ chăn nuôi đều phải tham gia nhóm giám sát dịch bệnh cộng đồng, ký cam kết không giấu bệnh và kịp thời thông tin trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccxin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định.
Cũng như hàng nghìn hộ chăn nuôi khác trên địa bàn xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, gia đình ông Trần Quốc Hương ở thôn Đồng Phú được cán bộ thú y hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh dịch trong điều kiện nuôi nhốt chật hẹp, thiếu thức ăn xanh khi phải di chuyển đàn vật nuôi lên cao tránh lũ.
Ông Trần Quốc Hương chia sẻ, mặc dù có kinh nghiệm cả chục năm nuôi gia súc, gia cầm nhưng chăm sóc vật nuôi trong điều kiện bão lũ kéo dài đã khiến ông hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ thú y, nhiều loại thức ăn giàu dinh dưỡng được bổ sung, toàn bộ đàn gà trên 5.000 con cùng đàn bò 20 con được tiêm phòng cẩn thận. Do vậy, đàn vật nuôi vẫn phát triển bình thường, không bị bỏ đói và bệnh dịch.
Chỉ sau thời gian rất ngắn, 100% hộ dân chăn nuôi vùng rốn lũ được gấp rút tập huấn các biện pháp xử lý bệnh dịch và chăm sóc đặc biệt cho đàn gia súc, gia cầm. Nước rút đến đâu tổ chức tổng vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng đến đó; hàng trăm nghìn xác gia súc, gia cầm chết được thu gom, chôn lấp, tiêu hủy theo đúng quy định. Nhờ làm tốt các biện pháp khắc phục, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn cho việc tái đàn.
Hỗ trợ người dân nhanh chóng tái đàn
Ngay sau cơn bão, hệ thống ngân hàng chính sách trên toàn tỉnh Yên Bái tập trung rà soát, thẩm định và tổng hợp nhu cầu vay vốn bổ sung, đề xuất điều chuyển nguồn vốn giữa các địa phương nhằm ưu tiên cho các hộ chăn nuôi vay vốn với mục đích sửa chữa, xây lại các công trình chăn nuôi, nhà xưởng, kho bãi, các thiết bị, công cụ, dụng cụ sử dụng trong chăn nuôi. Đảm bảo mục tiêu vượt dự nợ ít nhất 10% kế hoạch giao trong năm 2024.
Cùng với việc hỗ trợ cho vay từ ngân hàng chính sách, người chăn nuôi còn được hỗ trợ theo Nghị định của Chính phủ về khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, tỉnh Yên Bái hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi từ ngân sách tỉnh theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.
Theo đó, trong năm 2024, tổng kinh phí hỗ trợ phát triển chăn nuôi từ ngân sách tỉnh đạt gần 49 tỷ đồng cho các nội dung 27 dự án liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị; 1.000 cơ sở chăn nuôi theo hướng đặc sản hữu cơ; cho cơ sở chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 20 con trở lên; 4.500 liều phối thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò.
Bên cạnh đó, theo ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, để hỗ trợ chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục chăn nuôi, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giới thiệu, cung cấp nguồn con giống gia súc, gia cầm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccxin theo quy định. Các địa phương quán triệt phương châm, không cho tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Từ sự hỗ trợ kịp thời về con giống, nhất là nguồn thức ăn chăn nuôi với phương thức trả chậm không lấy lãi mà hàng nghìn hộ chăn nuôi vùng rốn lũ tái đàn thành công. Tiêu biểu như hộ gia đình Nguyễn Văn Vinh ở thôn Thắng Lợi, xã Y Can, huyện Trấn Yên đã tái đàn với 4.000 gà thịt, dự kiến sẽ kịp xuất bán trên 6 tấn thịt gà thương phẩm vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
Đối với những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, điển hình như Công ty chăn nuôi Hòa Bình Minh ở xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, sau khi bị nước lũ cuốn trôi cả trang trại lợn 5.000 con, ước thiệt hại gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng khắc phục hậu quả và sự hỗ trợ cần thiết cho việc tái đàn, đến nay công ty đã phục hồi trên 80% công suất chăn nuôi so với trước lũ.
Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Yên Bái cho thấy, không chỉ làm tốt phòng chống dịch bệnh sau lũ, việc tái đàn của các địa phương vùng rốn lũ đã đạt được kết quả tích cực, các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi đều cao hơn so với kế hoạch đề ra cho năm 2024, góp phần đưa tổng đàn gia súc chính hiện tại của toàn tỉnh đạt hơn 865.000 con, bằng 99,2% kế hoạch và đưa tổng đàn gia cầm đạt hơn 7,5 triệu con, bằng 102% kế hoạch năm 2024.