Nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng trong quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng cho quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các nhóm tiết kiệm cộng đồng nhằm nâng cao đời sống người dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La.
UBND tỉnh Sơn La giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch xây dựng, nhân rộng mô hình Quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản.
Đồng thời, tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tại các thôn, bản tự nguyện tham gia xây dựng quy chế, tự thực hiện quy chế, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tại thôn bản, thành lập các nhóm tiết kiệm tự quản ... để nâng cao đời sống người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với sự nỗ lực, trách nhiệm, sự chung tay của các cấp, các ngành và chính quyền cơ sở trong việc triển khai kế hoạch đến nay các cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tự nguyện xây dựng 1.073/198 quy chế đạt 541,9% so với Kế hoạch của UBND tỉnh Sơn La; trong đó, năm 2022 xây dựng được 714/198 quy chế, bằng 360,6% so với kế hoạch giao; năm 2023 xây dựng được 349 quy chế.
Việc xây dựng quy chế được thực hiện đảm bảo 6 bước theo kế hoạch. Các quy chế được các cộng đồng xây dựng tỷ lệ trích lập chi cho quản lý bảo vệ rừng 25%, tương ứng với số tiền 74 tỷ đồng với các nội dung chi chủ yếu cho tuần tra, bảo vệ rừng, chữa cháy rừng, mua cây giống trồng rừng, trồng cây phân tán, công cụ, dụng cụ trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo vệ rừng...; tỷ lệ trích lập chi cho cho nâng cao đời sống 38%, tương ứng với số tiền 110 tỷ đồng với các nội dung chi như xây dựng sửa chữa nhà văn hoá, đường nội bản, kênh mương, sân thể thao, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho nhà văn hoá, sửa chữa lớp học, hỗ trợ nhóm tiết kiệm tự quản...; tỷ lệ trích lập sử dụng chi cho các hộ gia đình trong cộng đồng nâng cao thu nhập 17%, tương ứng với số tiền 50 tỷ đồng; các nội dung chi khác như khen thưởng, thông tin tuyên truyền, nhóm phụ nữ tiết kiệm... bằng 20%, tương ứng với số tiền 57 tỷ đồng.
Sau khi xây dựng quy chế các cộng đồng đã thành lập, kiện toàn trên 1.000 tổ, đội bảo vệ rừng, mỗi tổ, đội có từ 20 đến 40 thành viên, xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng tập trung vào các tháng mua khô hanh dễ xảy ra cháy rừng, chấm công và chi trả tiền công cho các thành viên tổ bảo vệ rừng... Các Tổ quản lý bảo vệ rừng duy trì các hoạt động thường xuyên, hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công, cho biết, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ môi trường rừng; tăng cường mở rộng nguồn thu gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ quản lý rừng bền vững và nâng cao đời sống người dân. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, tiếp tục kiên định với mục tiêu xã hội hóa nghề rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La; Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.