Phát triển kinh tế làng nghề
Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông, anh Hoàng Văn Điệp, sinh năm 1991, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngay từ khi còn nhỏ đã nỗ lực học nghề nghề đúc, chạm khắc đồng từ cha ông. Lớn lên, khi làm ra nhiều sản phẩm, anh đã quyết định mở cửa hàng kinh doanh đồ đồng với mong muốn mang sản phầm làng nghề đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Chia sẻ về quá trình đến với nghề đúc đồng, anh Điệp cho biết: Sinh ra tại làng nghề đúc đồng Đại Bái, lại được thừa hưởng nghề gia truyền từ cha ông, nên ngay từ nhỏ anh đã làm quen với các dụng cụ đục, đẽo, chạm, khắc… đồng. Ban đầu, các dụng cụ đó chỉ là đồ chơi, nhưng khi lớn lên, nó đã trở thành người bạn đồng hành cùng anh trải qua trong suốt thời thơ ấu.
Cứ như vậy, sau giờ học, khi rảnh rỗi, anh lại bỏ “đồ nghề” ra đục, đẽo, chạm khắc. Ban đầu anh chỉ làm được những đồ đơn giản, sau này, cùng với sự cần cù, miệt mài, rèn giũa, tìm đến những nghệ nhân trong làng để nâng cao tay nghề, các sản phẩm dần trở nên điêu luyện, tinh xảo và làm ra những sản phẩm khó như đỉnh đồng, lư hương, con hạc… và có thể chạm thành thục các loại kim khí trên sản phầm đồ đồng.
Đầu năm 2018, anh Điệp bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình, mở cửa hàng kinh doanh đồ đồng . Được biết, nhờ nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp từ Đề án Thanh niên khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh, anh cùng em trai là Hoàng Văn Quân vay 2 tỷ đồng để duy trì, phát triển nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với số tiền này, cùng vốn tự có của gia đình, anh Điệp đầu tư mua dây chuyền sản xuất, xây dựng nhà xưởng. Khác với nhiều người đi trước trong làng nghề, anh Điệp luôn tìm cách đổi mới mẫu mã các sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Ban đầu, anh bán lẻ cho các mối quen, sau đó anh mang sản phẩm đi giới thiệu ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, anh có trang bán hàng online. Đến nay, anh có đầu mối bán buôn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Hiện, anh em Điệp quản lý thêm hai cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ đồng mỹ nghệ của gia đình, trung bình mỗi tháng, từ 3 cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ đồng mỹ nghệ, anh em Điệp thu 3 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 90 lao động, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Điệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đơn hàng ngày một nhiều, nhưng anh luôn tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt, tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, chọn đất, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc đồng... cho đến làm nguội, định vị dáng, cạo, nạo, vi chỉnh, đánh bóng, hoàn thiện sản phẩm. Qua đó có thể giữ nghề, tạo thương hiệu trên thị trường, việc phát huy tinh hoa văn hóa nghề truyền thống được đặc biệt coi trọng.
Năng động, sáng tạo khởi nghiệp
Chị Đinh Thùy Nguyên, sinh năm 1987, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, trước đây vốn làm thuê trong các doanh nghiệp. Do nhu cầu làm việc sớm, không thể đưa đón con theo đúng giờ hành chính, trong khi ở địa phương những trường mầm non áp dụng phương pháp dạy học mới chưa có, hai vợ chồng chị phải đi hơn 10km lên thành phố Bắc Ninh để gửi con. Đặc biệt, nắm bắt tâm lý nhiều gia đình ở địa phương cũng đi gửi con xa như gia đình chị, hai vợ chồng chị đã lên ý tưởng xây dựng trường mầm non áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại, phục vụ con em địa phương.
Ngay sau đó, vợ chồng chị Nguyên bắt tay xây dựng cơ sở vật chất trường học và trực tiếp đi học tập, tìm hiểu phương pháp học theo mô hình mới kết hợp với dạy kỹ năng sống. Trong khi gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, chị được vay 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp, trong thời gian 5 năm. Đây được ví như đòn bẩy giúp chị thực hiện ý tưởng.
Chị Nguyên cho biết: Khi số tiền trên được giải ngân, chị đã dùng để mua sắm trang, thiết bị phục vụ dạy học, mở rộng quy mô trường, lớp. Trải qua thời gian bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 (năm 2021 và đầu năm 2022), nhờ số tiền này mà chị có thể duy trì được hoạt động của trường và trả công cho giáo viên khi nghỉ dịch. Đặc biệt, chủ trương giãn nợ của Nhà nước đã giúp trường của chị vượt qua khó khăn, tiếp tục việc giảng dạy, chăm sóc cho con em địa phương. Đến nay, cơ sở của chị thường xuyên duy trì giảng dạy hơn 100 trẻ, mang lại doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động.
Thời gian qua, Đề án Hỗ trợ thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp 2018-2025 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh thông qua với tổng nguồn kinh phí 70 tỷ đồng đã giúp nhiều thanh niên phát triển kinh tế. Đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả, là "bà đỡ" giúp thanh niên hiện thực hóa ý tưởng, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần tạo nhiều việc làm. Tính đến nay, phong trào thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp đã hỗ trợ 168 dự án khởi nghiệp của thanh niên với tổng số tiền hơn 140 tỷ đồng.
Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền để có thêm nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn quan tâm, tổ chức các diễn đàn, lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng mô hình. Qua đó, giúp thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Đồng thời, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của dự án thanh niên khởi nghiệp; từ đó tạo đầu ra ổn định, chỗ đứng cho các sản phẩm trên thị trường.