Quảng Ninh: Chuyện 'lội ngược dòng' chuyển đổi số ở Tiền An

Từng xếp hạng 157/171 xã, phường về chỉ số chuyển đổi số năm 2023, xã Tiền An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã vươn lên dẫn đầu toàn tỉnh vào năm 2024; trở thành hình mẫu về chuyển đổi số cấp xã. Sự bứt phá này là kết quả của quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của người dân và cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Từ “vùng trũng” số hóa đến điểm sáng chuyển đổi

Chú thích ảnh
Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của xã được cán bộ, công chức hướng dẫn tận tình. 

Trước năm 2023, xã Tiền An gặp nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi số: hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế, người dân chưa quen với các dịch vụ trực tuyến, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh thấp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền thị xã và sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên môn, xã đã từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và triển khai đồng bộ các giải pháp.

Bà Trần Thị Khánh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền An chia sẻ: Năm 2023, xã Tiền An đứng thứ 157/171 xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh về chỉ số chuyển đổi số. Đây là vị trí khiến chính quyền địa phương rất trăn trở. Ngay sau đó, UBND xã đã tổ chức nhiều hội nghị để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, xã quyết tâm thay đổi, với mục tiêu nâng cao thứ hạng trong năm 2024.

Một trong những giải pháp đột phá là xã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ xung kích tình nguyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Ban Chỉ đạo họp định kỳ hằng tháng, tổ chức hội nghị phân tích chỉ số chuyển đổi số, trên cơ sở đánh giá kết quả, kịp thời đưa ra chỉ đạo, giải pháp khắc phục khó khăn, huy động tổng hợp các nguồn lực, chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, đoàn thể thực hiện hiệu quả. Với quyết tâm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, xã vận động nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi về chuyển đổi số.

Xã xây dựng, duy trì hiệu quả trang Zalo tiếp nhận, phản ánh kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính của người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại xã; công khai kênh tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử, bản tin xã.

Chú thích ảnh
Ông Đàm Quang Dược (75 tuổi) ở thôn Núi Thành xã Tiền An đã đồng ý nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng sau một thời gian được đích thân Phó Chủ tịch UBND xã Tiền An vận động. 

Ông Đàm Quang Dược (75 tuổi) ở thôn Núi Thành, xã Tiền An cho biết, ông thuộc diện chính sách được nhận lương hàng tháng. Trước đây, ông phải nhờ các con lên xã để nhận tiền mặt. Tuy nhiên, các con phải đi làm nên nhiều lần phải bỏ dở việc để đi nhận tiền lương hộ ông. Từ khi được xã vận động chuyển sang hình thức nhận tiền lương qua tài khoản ông thấy an toàn, thuận tiện, đỡ ảnh hưởng đến công việc, thời gian của con cháu. Ông Dược tâm sự thêm, lúc đầu ông cũng ngần ngại, tuy nhiên sau khi được đích thân Phó Chủ tịch UBND xã phân tích cho đến khi nhận tiền qua tài khoản, ông thấy đây là việc đáng ra nên thực hiện sớm.

Một trong những giải pháp được xã Tiền An chú tâm là nguồn nhân lực. Xã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyển đổi số, kỹ năng số cơ bản cho đội ngũ cán bộ, công chức xã và các trưởng thôn.

Anh Đàm Quang Triều ở thôn Thành Giền, xã Tiền An cho biết, từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thôn, xóm, được lắp đặt hệ thống camera an ninh ở các khu vực trọng yếu, rất thuận lợi cho công tác quản lý an ninh, trật tự. Đến nay ở thôn không còn tình trạng lừa đảo trộm cắp, đổ trộm rác thải. Hệ thống này còn hỗ trợ chính quyền kịp thời làm sáng tỏ một số vụ việc, truy vết được các đối tượng vi phạm pháp luật. Ngoài ra, ở thôn ứng dụng các nhóm zalo rất hiệu quả để thông tin kịp thời đến từng hộ dân.

Quyết tâm giữ vững vị trí dẫn đầu toàn tỉnh

Chú thích ảnh
Người dân thanh toán chuyển khoản, hạn chế sử dụng tiền mặt khi giao dịch mua bán. 

Đến nay, xã đã nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tại trụ sở UBND xã đạt cấp độ an toàn thông tin, triển khai số hóa văn bản và sử dụng phần mềm quản lý văn bản. 100% cán bộ, công chức xã sử dụng phần mềm quản lý văn bản; ứng dụng chữ ký số, sử dụng thành thạo hòm thư công vụ, chức năng văn bản nội bộ, phiếu trình.

Bà Trần Thị Khánh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền An thông tin: Năm 2024, xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục duy trì hoạt động của tổ xung kích nhằm hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán phí, lệ phí tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đồng thời, xã đẩy mạnh các phong trào thi đua tại các thôn, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khuyến khích người dân tích cực tham gia chuyển đổi số. Cụ thể, xã vận động các trường hợp bảo trợ xã hội, người có công nhận chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng; tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID; tổ chức nhiều phần việc cụ thể tại cơ sở nhằm lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến từng hộ dân.

Đến cuối năm 2024, 100% thủ tục hành chính được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 99,98% người dân có hồ sơ sức khỏe được quản lý trên phần mềm Sổ sức khỏe điện tử; 100% cơ sở giáo dục sử dụng giáo án điện tử, thanh toán học phí không dùng tiền mặt; 100% đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng nhận trợ cấp hằng tháng qua tài khoản ngân hàng; 100% nhà văn hóa lắp đặt wifi miễn phí. Công an xã và 16 thôn huy động nguồn lực xã hội hóa lắp đặt 78 camera an ninh tại các tuyến đường thôn...

Chú thích ảnh
Ở các thôn, xóm của xã Tiền An đều được gắn camera an ninh, thuận lợi cho việc giám sát, giữ gìn an ninh trật tự. 

Năm 2025, xã Tiền An đặt mục tiêu giữ vững vị trí và nâng cao chất lượng trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của tỉnh. Mục tiêu là 100% văn bản sẽ được ký số và xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; toàn bộ dịch vụ công trực tuyến được triển khai theo hướng toàn trình; đồng thời, 100% khoản phí, lệ phí sẽ được thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, xã cũng tăng cường hỗ trợ người dân kết nối và sử dụng mạng internet 4G để tiếp cận các tiện ích số một cách thuận lợi nhất.

Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên cho biết năm 2023, chỉ số chuyển đổi số của thị xã xếp thứ 4/13 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, ở cấp xã, phường thì thứ hạng lại khá thấp, đứng thứ 12/13. Trong đó, xã Tiền An nằm trong nhóm có chỉ số chuyển đổi số thấp nhất. Sau một năm quyết liệt triển khai các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 19 của Ban Thường vụ Thị ủy Quảng Yên, chuyển đổi số của thị xã đã có sự bứt phá rõ rệt. Thị xã Quảng Yên vươn lên vị trí thứ 3/13 năm 2024. Xã Tiền An “lội ngược dòng” trở thành xã dẫn đầu toàn tỉnh về chuyển đổi số cấp cơ sở. Ông Dương Văn Hào khẳng định vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, phải thể hiện rõ tinh thần tiên phong, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thì mới tạo ra bứt phá và kết quả vượt bậc.

Bài và ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện 7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số
Các doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện 7 giải pháp tiên phong trong chuyển đổi số

Ngày 6/5, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 216/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với doanh nghiệp nhà nước về tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN