Các tầng lớp nhân dân, quân đội huyện Núi Thành dâng hương, đặt vòng hoa tại Tượng đài.
Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng các tướng lĩnh, cựu chiến binh từng tham gia trận đánh Núi Thành, đông đảo nhân dân...
Ôn lại ký ức hào hùng tại buổi lễ, cựu chiến binh Phạm Văn Tùng, người tham gia trận đánh cách đây 60 năm cho biết: Chiến thắng Núi Thành đêm 25, rạng ngày 26/5/1965 đến nay đã tròn 60 năm nhưng ý nghĩa và tầm vóc to lớn về tư tưởng, chính trị và quân sự vẫn còn nguyên giá trị.
Chiến thắng Núi Thành là chiến thắng của đường lối quân sự, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng (trực tiếp là Khu ủy, Quân khu ủy và Tỉnh ủy Quảng Nam); chiến thắng của lòng quả cảm, tinh thần gang thép, quyết chiến quyết thắng quân xâm lược; sự mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc của các lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến thắng này không chỉ là ngọn cờ cổ vũ động viên các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam anh dũng tiến lên mà còn chứng minh một cách hùng hồn về lý luận và thực tiễn đường lối, chủ trương, sách lược chỉ đạo tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm chiến thắng Núi Thành.
Với chiến thắng Núi Thành - trận đánh Mỹ đầu tiên thắng lợi của Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 đã được Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quân công và lá cờ mang dòng chữ “Núi Thành oanh liệt, quyết lập chiến công”; chiến thắng Núi Thành và nhiều chiến công sau đó, quân và dân Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khen tặng 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, sau 60 năm chiến thắng Núi Thành, 50 năm giải phóng quê hương, với truyền thống cách mạng kiên cường, ý chí và quyết tâm không chịu khuất phục trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên, viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương đất Quảng. Từ một nền kinh tế chủ yếu thuần nông với nền sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, hơn 50% số hộ dân thuộc diện đói nghèo, Quảng Nam đã liên tục vươn lên với những thành tựu, bước phát triển đầy ấn tượng. Từ năm 2017, Quảng Nam chính thức điều tiết nguồn thu nội địa về Trung ương; năm 2024 vừa qua, tổng thu phát sinh kinh tế trên địa bàn đạt hơn 27.600 tỷ đồng (gấp 217 lần năm 1997), quy mô kinh tế hơn 129 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 84 triệu đồng.
Các đại biểu đặt hoa, dâng hương tại Tượng đài chiến thắng Núi Thành.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến cuối năm 2024 chỉ còn 4,56%. Cả tỉnh có 149/193 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng biên giới đã hoàn toàn đổi thay, khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, tạo tiền đề đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được mở rộng.
Đối với huyện Núi Thành, nơi diễn ra trận đầu đánh Mỹ, sau ngày quê hương, đất nước hoàn toàn giải phóng, còn gặp rất nhiều gian khó do hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, cơ sở vật chất ban đầu chưa có gì ngoài vành đai trắng của căn cứ quân sự Chu Lai ngày nào. Đến năm 2003, tỉnh Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước giao trọng trách xây dựng Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước. Địa danh Chu Lai - Núi Thành nhanh chóng được lựa chọn, xây dựng trở thành Khu kinh tế trọng điểm của cả miền Trung. Quảng Nam với Khu kinh tế mở Chu Lai là trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí lớn nhất cả nước; có sân bay Chu Lai đã được quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế cấp 4F, có cảng biển được quy hoạch loại 1 đón được tàu 5 vạn tấn.
Trung tướng Thái Đại Ngọc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm chiến thắng Núi Thành.
Cùng với sự đầu tư của Trung ương và tỉnh vào Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành cũng đã tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng, đem lại hiệu quả thiết thực như công trình Cảng cá Tam Quang, các chợ trung tâm, hệ thống giao thông được xây dựng thông suốt và gần 200km đường giao thông nông thôn được thảm nhựa cũng như bê tông hóa. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư. Việc thực hiện các chính sách, chế độ đối với người có công, đối tượng xã hội đầy đủ, kịp thời; hầu hết các nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng khang trang, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ được nâng cấp; đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho các gia đình có công và cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm cho hộ nghèo. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang và các chiến sĩ trực tiếp làm nên chiến thắng Núi Thành cách nay tròn 60 năm.