Đây là lần đầu tiên những tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam cùng hội tụ trên quê hương Đất Tổ, được trình diễn một cách có hệ thống và đầy đủ nhất. Qua đó, góp phần khẳng định sự giàu có, đa dạng của di sản đất nước; đồng thời thể hiện sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa của những vùng miền di sản.
Việt Nam hiện có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tham dự Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, với mong muốn mang đến cho công chúng góc nhìn khái quát nhất, ấn tượng nhất về các di sản, các địa phương đã huy động gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên tham gia trình diễn trong dịp này.
Tự hào là mảnh đất cội nguồn của dân tộc, Phú Thọ mang đến liên hoan 2 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ. Trong đó, Hát Xoan Phú Thọ sau 6 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đã ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Cao Xuân Du, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Phú Thọ, cho biết: Để trình diễn tại liên hoan, gần 100 nghệ nhân dân gian đến từ các phường Xoan gốc và các địa phương trên địa bàn thành phố Việt Trì đã tích cực tập luyện trong nhiều ngày qua. Trong khuôn khổ của liên hoan, cùng với trình diễn cả 3 chặng hát Xoan (hát nghi lễ, hát quả cách, hát hội), các hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như gói bánh chưng, giã bánh dầy dâng lễ Vua Hùng hay Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa… cũng được các nghệ nhân tái hiện một cách chân thực, sinh động. Qua đó giúp cho người dân, du khách hiểu sâu sắc hơn về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt thời các Vua Hùng dựng nước.
Đến với liên hoan, các nghệ nhân, nghệ sĩ của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trình diễn những làn điệu dân ca ví, giặm ngọt ngào như lời thủ thỉ, tâm tình, thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, con người và tình yêu đôi lứa.
“Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình trình diễn dân gian độc đáo với ca từ, giai điệu bình dị, mộc mạc, dân dã như chính cuộc sống của người dân xứ Nghệ; được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hiện nay, Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh được thực hành rộng khắp ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; trong đó tại Hà Tĩnh có hơn 90 làng có người thực hành loại hình di sản này. Với niềm tự hào di sản, chúng tôi mong muốn mang Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh đến với không chỉ người dân Đất Tổ mà còn đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của di sản trong đời sống đương đại”, ông Nguyễn Sĩ Trinh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ.
Tiếp nối mạch nguồn di sản trải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, những người con quê hương Đắk Lắk mang đến liên hoan một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với tên gọi “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”. Giữa Quảng trường Hùng Vương nơi Đất Tổ, tiếng cồng, chiêng vang vọng, tiếng trống nhịp nhàng hay tiếng đàn T’rưng róc rách… Tất cả như mời gọi du khách cùng hòa mình vào không gian của buôn làng, của gió núi đại ngàn.
“Hiện nay, hầu hết các buôn làng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đều có những đội cồng chiêng phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng hay những dịp hội hè. Với người dân Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa Cồng chiêng là tài sản vô giá, không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng. Âm nhạc của cồng chiêng là kết tinh của hồn thiêng sống núi, thể hiện ước mơ, khát vọng, diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt hằng ngày của người dân Tây Nguyên”, bà Kpă Tố Nga - Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Lắk, khẳng định.
Đến từ vùng đất phương Nam, các nghệ sĩ, nghệ nhân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trình diễn nhiều tiết mục đờn ca tài tử đặc sắc với chủ đề “Bà Rịa - Vũng Tàu về với nguồn cội”. Thông qua hoạt động trình diễn, các nghệ sĩ, nghệ nhân mong muốn đóng góp lời ca, tiếng hát cho ngày hội của quê hương; đồng thời giới thiệu, quảng bá rộng rãi những tinh hoa của di sản Đờn ca tài tử Nam Bộ đến với đông đảo công chúng.
Ông Phạm Minh Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tự hào chia sẻ: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vinh dự là một trong những cái nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, gắn bó với đời sống của người dân Nam Bộ từ những ngày đầu mở đất, là hơi thở, là tiếng lòng, là sức sống mãnh liệt của những con người phương Nam.
Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Hát Xoan Phú Thọ, Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của mọi miền Tổ quốc đã hội tụ về với cội nguồn Đất Tổ. Mỗi loại hình di sản đều là sản phẩm tinh thần được hun đúc và định hình qua thời gian; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Việt và khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào mang tên “Việt Nam”.