50 năm vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào dân tộc S’tiêng (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) với tình yêu nước nồng nàn và lòng căm thù giặc sâu sắc đã chung sức, đồng lòng theo Đảng, theo cách mạng đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Chú thích ảnh
Tái hiện hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S’tiêng tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Từ đó, sóc Bom Bo đã đi vào huyền thoại và bất diệt với thời gian. Tên đất, tên người, từng con sông, ngọn núi đã in đậm ký ức hào hùng của một thời bão đạn trong cuộc chiến vệ quốc.

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đi vào lòng người của biết bao thế hệ: “Đuốc lồ ô bập bùng lên ánh lửa, sóc Bom Bo rộn rã tiếng chày khuya, bồng con ra võng để đòng đưa, giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa…

Có một huyền thoại làm nên lịch sử

Hiệp định Geneva 1954 ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ lật lọng nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, thực hiện âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương. Đầu năm 1958, thực hiện chính sách di dân để “khai phá miền sơn cước”, chính quyền Diệm đưa hàng ngàn cư dân ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Bù Đăng để thực hiện mưu đồ tách dân ra khỏi Đảng.

Từ đó, các Dinh điền Vĩnh Thiện (Đoàn Kết), Bù Na (Nghĩa Trung), Đức Bổn (Đức Liễu), Vi Thiện (Thọ Sơn) ra đời nhằm phát hiện, bao vây và ngăn chặng sự xâm nhập của lực lượng cách mạng. Nhằm kìm kẹp, siết chặt nhân dân hơn nữa, chính quyền Diệm lập ra “Ngũ gia liên bảo”, củng cố đại đội bảo an cơ động với đầy đủ vũ khí, mỗi xã có một trung đội dân vệ được trang bị súng trường, tiểu liên có đủ sức mạnh để đàn áp nhân dân.

Năm 1963, địch càn quét triền miên, người dân bị dồn ép vào ấp chiến lược, nhưng cả sóc Bom Bo kiên quyết không theo. Với bản chất phóng khoáng, thích sống tự do, căm ghét kẻ thù xâm phạm đến núi rừng thiêng liêng và cuộc sống của mình, hơn 100 người dân sóc Bom Bo ban đêm lặng lẽ vượt suối, băng rừng vào căn cứ Nửa Lon, cạnh dòng suối Đăk Nhau để lập sóc mới, lấy tên sóc Bom Bo.

Năm 1965, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài nhằm tiêu diệt cụm quân sự của địch ở phía Bắc chiến khu Đ, trong phạm vi tỉnh Phước Long, Bình Long và trên trục giao thông chiến lược Tây Nguyên – Sài Gòn (Quốc lộ 13 và 14).

Thời điểm này, tại căn cứ Lửa Non, đồng bào S’tiêng hưởng ứng khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, không phân biệt già, trẻ, gái, trai đồng lòng, góp sức tập trung giã gạo không kể ngày đêm, kịp thời phục vụ chiến trường. Bằng tinh thần tập trung cao độ chỉ trong 3 ngày đêm, đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo giã được 5 tấn gạo phục vụ bộ đội, góp phần vào thắng lợi to lớn của chiến dịch.

Cũng như bao người con của buôn làng, già Điểu Lên không biết “cái chữ nó như thế nào”, nhưng với lòng căm thù giặc, tinh thần cách mạng được hun đúc từ rất sớm, từ năm 15 tuổi, già làng Điểu Lên đã làm giao liên, làm cầu nối giữa căn cứ trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Tây Ninh. Một thời gian sau, ông nhập ngũ, cầm súng trực tiếp chiến đấu, bảo vệ chính mảnh đất Bom Bo. Trong kháng chiến chống Mỹ, già làng Điểu Lên tham gia 45 trận đánh, giết cả trăm tên Mỹ – Ngụy. Vì thế, già làng 3 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ” gồm: Dũng sĩ diệt Mỹ – Ngụy, Dũng sĩ diệt ác phá kìm và Dũng sĩ chống càn.

Già làng Điểu Lên nhớ lại: “Năm 1964 và 1965, địch càn vào sóc Bom Bo thường xuyên. Cao điểm nhất là mùa khô năm 1965, bà con thi đua sản xuất nông nghiệp để cung cấp lương thực, phục vụ bộ đội tham gia Chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long. Để đủ gạo phục vụ chiến dịch, dân làng phải huy động cối chày, thức đêm cùng chiến sĩ giải phóng giã gạo trong ánh đuốc lồ ô rực lửa”.

Theo nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Vũ Tiến Điền (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy): “Phong trào giã gạo tiếp tế cho bộ đội được phát động trong các vùng căn cứ, ấp, sóc… Già, trẻ, gái, trai ngày đêm tích cực, hăng say giã gạo nuôi quân phục vụ Chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long. Càng cảm phục hơn khi trong những tháng ngày gian lao này, người dân Bom Bo không hề giữ lại hạt gạo cho riêng mình, họ chỉ ăn củ mì, củ nần, củ chụp, lá bép... để dành lương thực phục vụ bộ đội, chiến dịch.

Chú thích ảnh
Đồng bào dân tộc S’tiêng trình diễn đánh cồng tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Nhật Bình/ TTXVN

Những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân Bom Bo vẫn ở lại căn cứ “Nửa Lon”, đến năm 1989, đồng bào S’tiêng di cư từ xã Đăk Nhau trở về lại chốn cũ lập lại sóc Bom Bo (nay thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Công lao của quân dân Bom Bo trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Điểm nhấn về du lịch văn hóa, lịch sử

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu, sau 50 năm giải phóng, Bù Đăng nói chung và sóc Bom Bo nói riêng từ địa phương miền núi, đất rộng, người thưa, hộ đói, nghèo, khó khăn chiếm tỉ lệ lớn, hạ tầng kinh tế – xã hội yếu kém, “nắng bụi, mưa lầy”. Đến nay, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư xây dựng, hệ thống giao thông được nhựa hóa, cứng hóa; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, gần 100% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Địa phương xóa nạn mù chữ và duy trì kết quả phổ cập Trung học cơ sở.

Từ năm 2000 đến nay, sóc Bom Bo nhận được nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đặc biệt như: Chương trình Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình điện khí hóa nông thôn, Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình 134 và 135, các dự án phát triển du lịch... Nhờ đó, sóc Bom Bo có sự thay đổi toàn diện.

Anh Điểu Mon (thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) phấn khởi, hiện nay người dân Bom Bo có chỗ ở ổn định và nương rẫy sản xuất; trẻ em trong độ tuổi đi học đều đến trường; nhà nào cũng có điện chiếu sáng; đường bê tông, đường nhựa thông suốt nối liền từ xã đến thôn… Cuộc sống của người dân bắt đầu có của ăn, của để.

Già làng Điểu Lên khẳng định, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn chung, song bà con thôn Bom Bo, nhất là bà con đồng bào S’tiêng có nhiều cố gắng, không trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, trên mảnh đất thôn Bom Bo ngày nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã xây dựng và phát triển Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) - đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và quảng bá những nét văn hóa tiêu biểu của người S’tiêng vùng miền Đông Nam Bộ.

Khu Bảo tồn được xây dựng từ năm 2011, đến năm 2018, được chuyển giao về cho UBND huyện Bù Đăng quản lý. Kể từ đó, Khu Bảo tồn tổ chức các hoạt động gìn giữ hiện vật; các làng nghề truyền thống, các làn điệu ca, múa dân gian của người S’tiêng và bảo tồn các lễ hội dân gian… Mỗi năm, Khu Bảo tồn đón tiếp hơn 20.000 lượt người trong và ngoài nước, trong đó có các đoàn khách quốc tế như: Hàn Quốc, Campuchia… Qua đó, hình ảnh của huyện Bù Đăng nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung, bản sắc văn hóa của người S’tiêng được quảng bá tới bạn bè quốc tế.

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo cho biết: Khu Bảo tồn được đánh giá là địa chỉ đỏ để tổ chức các hoạt động du khảo về nguồn. Ban Quản lý Khu Bảo tồn còn chỉnh trang, bổ sung hiện vật, sửa chữa các hạng mục công trình, đồng thời xây dựng văn hóa, tác phong phục vụ chuyên nghiệp nhằm tạo ấn tượng tốt với du khách đến tham quan.

Chú thích ảnh
Phục dựng Lễ hội kết bạn cộng đồng của đồng bào dân tộc S’tiêng trình tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Ảnh: Nhật Bình – TTXVN

Sau 50 năm giải phóng, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, song âm hưởng hào hùng của núi rừng Bom Bo, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vẫn còn in đậm trong tâm trí của đồng bào, trở thành niềm tự hào, sức sống mãnh liệt của Đảng bộ, nhân dân huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Đồng bào Bom Bo vẫn kiên trung, son sắt, chung thủy một lòng vững tin vào Đảng, Bác Hồ. Bom Bo đang từng ngày chuyển mình, phát triển. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước đang tập trung xây dựng Bom Bo thành một điểm nhấn về du lịch văn hóa, lịch sử, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Đậu Tất Thành - Nhật Bình (TTXVN)
Sóc Bom Bo, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc
Sóc Bom Bo, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc

Sóc Bom Bo thuộc địa bàn xã Bình Minh (huyện Bù Đăng). Từ năm 2011, tỉnh Bình Phước đã xây dựng Sóc này trở thành Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng. Về thăm nơi đây, du khách sẽ có dịp ôn lại những ký ức hào hùng của đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc và tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN