Mùa bội thu
Sau hai năm phục hồi sau dịch COVID -19, ngành nông nghiệp Đồng Nai bắt đầu bứt phá. Theo đại diện Sở NN&PTNT Đồng Nai, về giá trị sản xuất năm 2024: Trồng trọt đạt 16.578 tỷ đồng, với tổng diện tích gieo trồng 308.416 ha, trong đó tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 139.209 ha, diện tích cây lâu năm là 170.095 ha (cây ăn quả 78.409 ha; cây công nghiệp lâu năm 91.686 ha.
Diện tích trồng lúa dần thu hẹp do hiệu quả không cao bằng các loại cây trồng khác, vì vậy, tỉnh đã chuyển đổi 2.748,1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, giá trị sản phẩm trồng trọt đạt bình quân 148 triệu đồng/ha/năm, gấp rưỡi mức bình quân cả nước
Về chăn nuôi, Đồng Nai có tổng đàn lợn khoảng 2,08 triệu con; trâu, bò hơn 115.000 con, gia cầm 24,8 triệu con, giảm 1,89% so với cùng kỳ. Năm 2024, dự ước tổng sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt khoảng 601. 000 tấn, tăng 0,04% so với cùng kỳ. GTSX chăn nuôi đạt 28.346 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; tổng sản lượng thịt lợn hơi các loại đạt 707.380 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ; tổng đàn lợn thịt xuất chuồng 5 triệu con, tổng đàn gia cầm xuất chuồng 94 triệu con; sản lượng trứng các loại 1.400 triệu quả, tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh có 110 trang trại và 7 Tổ hợp tác (53 hộ thành viên) đã được chứng nhận VietGAP còn hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý có hai mô hình hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ tại huyện Định Quán.
Diện tích nuôi thủy sản Đồng Nai là hơn 7.600ha. Dự ước cả năm 2024, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt khoảng 2.939 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; sản lượng thuỷ sản ước đạt 74.650 tấn; giá trị sản phẩm thuỷ sản ước đạt 550 triệu đồng/ha.
Tỉnh đã tiến hành ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng với mô hình cá lóc, rô đồng năng suất thu được dao động từ 40 – 250 tấn/ha; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất, sản lượng thu được dao động từ 25 – 40 tấn/ha/vụ vượt trội hơn hẳn so với các mô hình nuôi theo truyền thống.
Ngoài ra, nuôi thủy sản lồng bè trên sông Đồng Nai và hồ Trị An (638 bè và 2.914 lồng) ngày càng phát triển theo mô hình bán thâm canh, thâm canh các loài có giá trị kinh tế như cá chép, diêu hồng, lăng, thác lát, năng suất dao động 3 – 5 tấn đối với bè nuôi, 7 – 8 tấn đối với lồng nuôi; đồng thời, nuôi thủy sản hồ chứa ngày càng phát triển, sản lượng hồ nhỏ từ 40 – 50 tấn, đối với các hồ lớn từ 350 – 400 tấn.
Đẩy mạnh công nghiệp chế biến
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 43 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động (40 cơ sở thuộc mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung; 3 cơ sở giết mổ tạm thời), với công suất bình quân mỗi ngày 50 con trâu, bò, 2.000 con lợn, 37.000 con gà; 47 cơ sở sơ chế, chế biến thịt heo, thịt gà với quy mô khoảng 70.000 tấn thành phẩm/năm (tương đương 100.000 tấn nguyên liệu); 130 cơ sở nhỏ lẻ chế biến các sản phẩm từ thịt như giò chả, nem chua, chà bông chế biến bằng phương pháp thủ công; 97 doanh nghiệp sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng không thua kém: 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản; khoảng 87.000 m3 kho lạnh bảo quản sản phẩm nông nghiệp; 1.454 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ, sản phẩm đồ gỗ, với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 1,55 tỷ USD, nằm trong nhóm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh.
Nhằm thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản tại huyện Định Quán, Cẩm Mỹ....
Ngoài ra, tỉnh đang triển khai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (giai đoạn 2) tại huyện Thống Nhất, với định hướng kết nối với các vùng nguyên liệu thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh, đồng thời bổ sung thêm sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản; xây dựng kêu gọi đầu tư các dự án phát triển hạ tầng sơ chế, chế biến, đóng gói nông sản gắn với các vùng sản xuất tập trung đối với sản phẩm cây ăn quả chủ lực của tỉnh, đầu tư các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm gắn với các vùng chăn nuôi tập trung.
Vai trò trung tâm của Nhà nước
Để có bức tranh nông nghiệp sáng như hiện nay, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã huy động hầu như mọi nguồn vốn, nhân tài trong suốt nhiều năm qua. Ngoài công tác khuyến nông bài bản và hiệu quả, nhân lực ngành nông nghiệp Đồng Nai tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp từ nuôi trồng đến chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo đại diện Sở NN & PTNT, ngành dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn đang là ngành “hot” và không ngừng phát triển với 2.086 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cung ứng vật tư nông nghiệp cho người sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật cho người chế biến và hướng dẫn “luật chơi” trên thị trường nông sản (trong và ngoài nước) cho người kinh doanh nông sản. Ngoài ra, có một số công ty, nhà máy sản xuất phân bón trên địa bàn và một số doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh để cung cấp vật tư cho thị trường Đồng Nai và các tỉnh thành khác.
Về hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, Sở NN & PTNT hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm: Lễ Hội sâm và Hương liệu, dược liệu Quốc tế TP Hồ Chí Minh, “Hội chợ - Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh lần X – năm 2024”, tham gia nền tảng TikTok, “Chợ Công nghệ - Thiết bị và Thương mại tỉnh Đồng Nai (Techmart DongNai 2024)”, Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm…
Đối với nông sản xuất khẩu, tỉnh đã xây dựng các vùng trồng, vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô sản lượng để gắn kết với công nghiệp chế biến trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Trong năm 2024, tỉnh đã cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng đi thị trường Trung Quốc. Như vậy, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 39 vùng trồng nội địa, quy mô 410 ha, 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô gần 28 ngàn ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand