Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, sử dụng nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường

Thông qua các hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức của người dân huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) trong việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được nâng lên.

Chú thích ảnh
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tuyên truyền, hướng dẫn người dân xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách hiệu quả, hợp lý

Những ngày đầu tháng 10/2024, hàng trăm hộ dân trên địa bàn các xã có nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng của huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp tập huấn quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế. Nhờ đó, nhận thức của người dân trong việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được nâng lên.

Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, kết hợp tập huấn quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng trong phát triển sinh kế do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tổ chức, đã thu hút đông đảo bà con nhân dân xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tham gia.

Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã đưa ra nhiều câu hỏi thảo luận và hướng dẫn bà con nhân dân trong xã nâng cao nhận thức bảo vệ rừng; đồng thời, hướng dẫn cho người dân sử dụng nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách hiệu quả, hợp lý.

Những câu hỏi được đưa ra như “Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng? Lợi ích rừng mang lại là gì? Vẽ sơ đồ tài nguyên rừng do cộng đồng hoặc gia đình đang quản lý?” đã mang lại những kiến thức cho bà con nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, những câu hỏi như “Rủi ro mô hình đang sản xuất kinh doanh tại hộ gia đình? Tính toán đầu tư một mô hình trồng trọt hoặc chăn nuôi?” đã mang đến cho người dân những kiến thức quản lý tài chính, quản lý và sử dụng nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách hiệu quả.

Anh Ly Va, thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cho biết, gia đình anh nhận quản lý, bảo vệ 30 ha rừng từ năm 2008. Năm 2014, anh được nhận 3,5 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, và tăng lên ở những năm sau đó, dao động từ 17 – 22 triệu đồng/năm. Có được tiền, anh Ly Va được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Chú thích ảnh
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tuyên truyền, hướng dẫn người dân xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng một cách hiệu quả, hợp lý

“Có năm tôi mua bò, có năm tôi lại dùng tiền để mua phân bón hay mua giống cây trồng. Hiện nay, tôi luôn duy trì đàn bò được 2 – 5 con, phát triển thêm nông nghiệp được 3ha cao su, 5 sào cà phê, 6 sào lúa và 4 ha sắn. Mỗi năm thu nhập của gia đình được gần 200 triệu, trừ đi chi phí cũng còn được khoảng 150 triệu đồng”, anh Ly Va chia sẻ.

Ông Lê Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Ruồng cho biết, hiện toàn xã có 55 hộ được giao rừng và 2 cộng đồng thôn tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của địa phương được chi trả và sử dụng đúng mục đích, góp phần tạo điều kiện, tạo sinh kế cho người dân, cộng đồng phát triển. Nhờ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, cùng định hướng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, người dân trên địa bàn đã biết sử dụng tiền một cách hợp lý, làm ăn kinh tế, phát triển đời sống gia đình. Nhờ đó, góp phần giảm nghèo cho địa phương. Đến nay, toàn xã chỉ còn 32 hộ nghèo, chiếm 2,3% tổng số hộ dân của xã. Xã Đăk Ruồng cũng đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Trong khi đó, cộng đồng thôn 4, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy có 77 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ 448 ha rừng từ năm 2021. Chị Y Khuyên, thôn trưởng thôn 4 cho biết, cộng đồng thôn chia ra các tổ gồm 5 người/tổ để đi tuần tra, bảo vệ rừng theo lịch phân công mỗi tuần một lần. Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, 2 quý đầu năm 2024, cộng đồng thôn đã nhận được hơn 250 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

“Số tiền nhận được chúng tôi sẽ chia cho các hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Số lẻ sẽ được đưa vào quỹ thôn để phục vụ cho các hoạt động chung như hỗ trợ cho lễ hội, hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo khi bị ốm đau, bệnh tật. Nhờ đó, đời sống của các hộ tham gia quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên, tình cảm của bà con nhân dân trong thôn ngày càng được bền chặt”, chị Y Khuyên nói.

Ông Đào Thanh Sang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Kôi cho biết, xã có hơn 830 hộ dân sinh sống tại 9 thôn, làng; trong đó, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96%. Được sự quan tâm của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, toàn xã có 249 hộ và một cộng đồng thôn được giao khoán quản lý, bảo vệ gần 3.000 ha rừng.

“Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con tham gia quản lý, bảo vệ rừng đã nhận được một khoản tiền không nhỏ hằng năm. Dưới sự hướng dẫn của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cùng sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, bà con đã sử dụng tiền đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó, góp phần giảm nghèo cho địa phương, từ một xã đa số là hộ nghèo thì đến nay, xã chỉ còn 171 hộ nghèo, chiếm hơn 20%, xã cũng đã đạt 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, ông Đào Thanh Sang khẳng định.

Có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cùng các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các cộng đồng dân cư đã và đang mang đến những tín hiệu tích cực. Nhờ đó, bà con nhân dân tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc sử dụng nguồn tiền để phát triển sinh kế, tạo ra giá trị cao hơn cho kinh tế hộ gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của các địa phương.

Dư Toán
Kon Tum: Đưa cây giống Sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm tại Lai Châu
Kon Tum: Đưa cây giống Sâm Ngọc Linh trồng thử nghiệm tại Lai Châu

Chiều 7/11, ông Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đã tặng 2.000 cây giống Sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi cho tỉnh Lai Châu.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN