Huy động nguồn lực cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng khô hạn ở Phú Yên

Vào mùa nắng nóng, nhiều địa bàn miền núi, vùng cao của tỉnh Phú Yên lại thiếu nước sinh hoạt. Năm 2023, dự báo tỉnh sẽ có nắng nóng, khô hạn kéo dài. Địa phương huy động nhiều nguồn lực khoan bổ sung giếng nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Chú thích ảnh
Trạm nước sạch tại xã Hòa Xuân Đông (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh tư liệu: Tường Quân/TTXVN

Nhà ở cuối thôn nên chị Lê Thị Ngọc Trang (thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa) phải đi gần 1 km đến bể nước đầu thôn lấy nước sinh hoạt. Công trình nước tự chảy thôn Hòa Ngãi được thiết kế đưa nước về 4 bể chứa, cấp nước cho hơn 140 hộ dân trong thôn nhưng từ đầu tháng 4/2023 đến nay chỉ còn một bể ở đầu thôn có nước.

Chị Lê Thị Ngọc Trang chia sẻ, tại khu vực này, mùa nắng thường không có đủ nước dùng. Mỗi nhà đều tranh thủ buổi trưa, tối vắng người để đi lấy nước về tích trữ phục vụ sinh hoạt.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, khu vực xã Sơn Định không có nguồn nước để khai thác ổn định, bền vững nên rất khó khăn trong định hướng giải pháp cấp nước sinh hoạt. Từ năm 2017 - 2021, UBND tỉnh Phú Yên lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn kinh phí chống hạn triển khai khoan 22 giếng khoan chiều sâu hơn 100m ở các thôn để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, 5 giếng khoan thiếu nguồn nước nên rất khó khăn cho người dân sử dụng nguồn nước từ các giếng này.

Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa cho biết, việc đầu tư giếng khoan ở các khu dân cư xa, ít nhân khẩu là phù hợp vì số vốn đầu tư thấp, đáp ứng ngay nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Ngoài ngân sách, chính quyền địa phương huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng thêm các giếng nước cho người dân vùng khô hạn. Những khu dân cư xa trung tâm, nơi có ít hộ dân không thể đầu tư công trình cấp nước tập trung. Những giếng khoan chính là "mạch sống" phục vụ sinh hoạt của người dân.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên dự báo, xu thế nhiệt độ tại tỉnh tiếp tục tăng dần, hiện tượng ENSO duy trì, nghiêng về pha nóng trong các tháng mùa hè (tháng 6 - 8/2023), cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,5 độ C. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mưa ít, mực nước trên các sông, suối có xu thế giảm; nguy cơ cao hạn hán, thiếu nước sinh hoạt. Các khu vực nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt gồm: xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa); hai xã An Thọ, An Lĩnh (huyện Tuy An); các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Lãnh, Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân)...

Theo ông Lữ Ngọc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, Chính phủ đã có quyết định về Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” trên địa bàn tỉnh. Sở sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị đưa một số giếng khoan vào khai thác giải quyết sinh hoạt cho người dân. Trước mắt, khu vực xã An Lĩnh với 210 hộ với 630 nhân khẩu sẽ có nước sử dụng trong mùa nắng năm 2023.

Theo kế hoạch, công trình cấp nước hai xã Đa Lộc và Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) thuộc Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) được HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 3/2020; tiến độ triển khai và hoàn thành năm 2024. Như vậy, trong tương lai gần, khu vực này sẽ giải quyết được khó khăn về nguồn nước sinh cho người dân...

Xuân Triệu (TTXVN)
Hòa Bình: Người dân 'khát nước' trong khi công trình cấp nước bỏ hoang
Hòa Bình: Người dân 'khát nước' trong khi công trình cấp nước bỏ hoang

Sau hơn 10 năm, công trình này bị bỏ hoang trong khi người dân chật vật lấy nước từng ngày.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN