Kinh phí thực hiện là từ nguồn huy động xã hội hóa. Để việc bắn pháo hoa chào mừng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 diễn ra an toàn, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị hiệp đồng chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo, toàn diện và tổ chức bắn pháo hoa theo đúng Kế hoạch, bảo đảm an ninh, trật tự; tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng nghệ thuật cao, an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị, tài sản.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tiếp nhận pháo hoa và các thiết bị của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hóa chất 21, Bộ Quốc phòng; bố trí, sử dụng phương tiện vận chuyển thiết bị, nhân lực đến địa điểm bắn đúng quy định. Bố trí thiết bị, trận địa bắn pháo hoa; lực lượng Kiểm soát quân sự phối hợp với lực lượng Công an thành phố bảo vệ an toàn tại khu vực bắn pháo hoa. Tổ chức lực lượng Công binh rà soát bom, mìn và các chất, thiết bị gây nổ tại Quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, sau đó bàn giao mặt bằng cho Công an thành phố quản lý. Thời gian hoàn thành trước 16 giờ ngày 11/5/2024.
Công an thành phố bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an toàn khu vực bắn pháo hoa, bố trí lực lượng, phương tiện dẫn đường, bảo vệ xe vận chuyển pháo hoa theo hiệp đồng của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố. Xây dựng kế hoạch, triển khai lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy thường trực tại trận địa bắn; thời gian từ 7 giờ ngày 11/5/2024 cho đến khi kết thúc bắn pháo hoa. Sẵn sàng cơ động kịp thời xử lý khi có tình huống cháy lan xảy ra ở nhà dân, khu vực tổ chức các hoạt động chào mừng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024. Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông trên các trục đường liên quan đến khu vực tổ chức bắn pháo hoa; bảo đảm an toàn cho các đại biểu, nhân dân đi lại và xem bắn pháo hoa (phải cách trận địa pháo từ 100m trở lên)…
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2024) và đón nhận danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO.
Với chủ đề "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản", Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là dịp tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố cảng "Trung dũng, quyết thắng" trong hiện thực hóa định hướng phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Trong đó nhấn mạnh định hướng "Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển, đảo, các di tích lịch sử, văn hóa" là một trong ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Lễ hội cũng là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của thành phố Hải Phòng - thành phố cảng lớn nhất Miền Bắc, trung tâm vùng đồng bằng Duyên hải, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết và phát triển kinh tế đối ngoại của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc; vai trò quan trọng trong cực phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Phòng có đủ điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp nhận các thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới. Đặc biệt, Hải Phòng còn là thành phố có bề dày truyền thống lịch sử và chiều sâu văn hóa, đậm đặc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý báu với 555 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 119 di tích quốc gia…