Hải Phòng: Hỗ trợ chuyên sâu để tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố Hải Phòng có mức tăng trưởng 2 con số thuộc trong nhóm đầu cả nước. Hải Phòng đã có nhiều chính sách để phục hồi kinh tế hiệu quả sau tác động của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Để tìm hiểu rõ hơn về các giải pháp phục hồi kinh tế của Hải Phòng, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố?

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố xác định tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 5 năm 2021-2025. Tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức khá cao so với bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác; một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cụ thể, về tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 11,10% so với cùng kỳ; trong đó, nhóm công nghiệp - xây dựng tăng 13,32%; nhóm dịch vụ tăng 9,05%; nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 0,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 9,82%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), ước tăng 11,84% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,54 tỷ USD, tăng 15,33% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 70,79 triệu tấn, tăng 7,87%.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến 20/6/2022, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố đạt 981,61 triệu USD, bằng 78,96% so với cùng kỳ, đạt 39,26% kế hoạch năm. Đặc biệt, lượng khách du lịch và thăm quan Hải Phòng ước đạt 3.013,95 nghìn lượt, tăng 27,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều đánh dấu sự hồi phục của ngành du lịch thành phố.

Ngoài ra, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của thành phố Hải Phòng đã vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2020, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay.

Ông có thể khái quát về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình trên địa bàn thành phố?

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, thành phố đã khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023.

Bên cạnh đó, thành phố hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng với quy mô 410,46 ha. Đồng thời tích cực đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ Khu I, Nam Đình Vũ Khu II; thành lập các cụm công nghiệp: Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo), Đại Thắng, Tiên Cường II (huyện Tiên Lãng); tập trung giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C3).

Thành phố cũng tăng cường quản lý thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để thiếu hàng, sốt giá. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, chuyển đổi phương thức vận chuyển từ đường bộ sang đường biển, hoàn thiện hồ sơ đáp ứng được quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do.

Thành phố chủ động chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm kích cầu du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch và hình ảnh thành phố, tận dụng triệt để cơ hội mở cửa lại du lịch để thu hút khách du lịch. Tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Hải Phòng tại Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2022.

Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch đã thành lập một tổ công tác về đầu tư thu hút dự án thuộc lĩnh vực du lịch, hiện tổ công tác hoạt động rất hiệu quả và ngay tới đây sẽ đấu thầu kêu gọi loạt dự án đầu tư rất lớn tại Cát Bà. Ngoài ra một địa danh du lịch nổi tiếng là Đồ Sơn cũng đang triển khai các dự án du lịch rất tốt. Trong quá trình triển khai dự án những khó khăn vướng mắc sẽ được tổ công tác trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ.

Giải ngân vốn đầu tư công được coi là yếu tố quan trọng vì là nguồn “vốn mồi” để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân ở nhiều địa phương vẫn chậm. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở Hải Phòng như thế nào thưa ông?

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công luôn được coi trọng, vốn đầu tư công có vai trò là vốn mồi dẫn dắt cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tính đến cuối tháng 6, vốn giao kế hoạch năm 2022 giải ngân ước đạt 5.469 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn giao trong năm giải ngân 5.446 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30% kế hoạch vốn, bao gồm: vốn ngân sách trung ương đã giải ngân là 608 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 47,21%; vốn ngân sách thành phố đã giải ngân là 4.838 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29%; vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022 đã giải ngân ước đạt 22,67 tỷ đồng, bằng 11,11% vốn kéo dài.

Trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khoảng 30%, đây là tỷ lệ không phải quá thấp nhưng cũng không đạt được đúng như kỳ vọng. Thành phố đã đưa ra rất nhiều giải pháp mà một trong số đó là đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đã chủ trì họp với rất cả các quận huyện, ban quản lý dự án và đưa ra trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, trong giải phóng mặt bằng để tháo nghẽn, đẩy nhanh tiến độ.

Trong cuộc họp gần đây Ban thường vụ tỉnh ủy đã thống nhất phân công các đồng chí trong ban thường vụ theo dõi các địa phương, xuống địa phương làm việc về nhiều nội dung; trong đó có nội dung tăng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là một chỉ tiêu đánh giá hoàn thành nhiệm vụ và đưa chỉ tiêu vào đánh giá thi đua cuối năm.

Hải Phòng đã có chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thưa ông?

Chúng tôi đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm chủ lực.

Chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp thông  qua các cuộc hội thảo để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, phối hợp với hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu để gỡ khó trong vấn đề xuất khẩu; tổ chức hội thảo hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số; duy trì các hoạt động đối thoại doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp với nhiều nhóm chủ đề khác nhau.

Chúng tôi cũng thành lập các tổ công tác trong các lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút đầu tư... Chúng tôi quan niệm rằng phải đi vào chuyên sâu từng lĩnh vực một để thu hút đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp bảo đảm sao cho doanh nghiệp cảm thấy hài lòng nhất và thấy rằng họ đầu tư và tin tưởng vào chính quyền.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Huy/TTXVN (Thực hiện)
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 193/TB-VPCP ngày 1/7/2022 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN