Giảm hơn 15.000 hộ nghèo, động lực để Kon Tum bước vào kỷ nguyên mới

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, năm 2024, tỉnh đã giảm được 3.650 hộ nghèo, tương ứng 2,51%, nâng tổng số hộ thoát nghèo giai đoạn 2021 – 2024 lên hơn 15.000 hộ.

Đây kết quả từ sự đồng lòng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ các đề án, chương trình, mang đến một “sức bật” lớn cho kinh tế Kon Tum trong năm 2025, chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2026 – 2030 đầy kỳ vọng.

Chú thích ảnh
Anh Thao Si Phôn (sinh năm 1991, trú xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã gây dựng được vườn cà phê 0,5 ha, thoát nghèo năm 2024. 

Vận dụng chính sách phù hợp

Đầu năm 2021, Kon Tum có 21.989 hộ nghèo, chiếm 15,32% hộ dân toàn tỉnh (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, với gần 21.000 hộ). Đến cuối năm 2024, Kon Tum chỉ còn 6.557 hộ nghèo.

Anh Thao Si Phôn (sinh năm 1991, trú xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) là một ví dụ điển hình về nỗ lực thoát nghèo. Là người dân tộc thiểu số Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), Thao Si Phôn lập gia đình rồi về ở cùng nhà vợ theo phong tục địa phương. Tách khẩu, anh Phôn cùng vợ không có tài sản gì đáng giá ngoài căn nhà tạm dựng trên mảnh đất nhỏ của bố mẹ chia cho. Chính vì thế, gia đình Phôn thuộc diện hộ nghèo của xã từ năm 2019.

Vượt qua khó khăn, Thao Si Phôn đã nỗ lực học nghề thợ hồ; đồng thời cùng vợ cải tạo 0,5ha đất của bố mẹ cho để trồng cà phê. Đến năm 2023, UBND huyện Đăk Hà tiếp tục hỗ trợ gia đình anh một con bò sinh sản. Đầu năm 2024, gia đình anh được chính quyền địa phương hỗ trợ 44 triệu đồng theo nội dung thuộc Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, nhờ đó, đến cuối năm 2024, gia đình anh đã thoát nghèo.

“Sau khi được Nhà nước hỗ trợ tiền, gia đình tôi đã góp hơn 40 triệu đồng xây dựng được căn nhà khang trang. Cùng với việc chăm sóc vườn cà phê và chăm sóc bò sinh sản, đến nay, gia đình có nguồn thu nhập khoảng 50 triệu/năm. Đến cuối năm 2024, gia đình tôi đã thoát nghèo, hai vợ chồng sẽ cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế gia đình ngày càng đi lên”, anh Thao Si Phôn vui vẻ nói.

Chú thích ảnh
Anh Thao Si Phôn (sinh năm 1991, trú xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đã xây dựng được căn nhà hơn 90 triệu đồng khang trang, thoát nghèo năm 2024. 

Theo ông Trần Công Lý, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Hà, năm 2024, huyện đã giảm được 463 hộ nghèo. Đến nay, huyện chỉ còn 342 hộ nghèo với gần 1.200 nhân khẩu, chiếm 1,83% dân số. Để có được kết quả này, chính quyền các cấp của huyện đã vận dụng, lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

“Huyện Đăk Hà phấn đấu đến cuối năm 2025, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,33%. Huyện sẽ triển khai một số chính sách đặc biệt thuộc các chương trình giảm nghèo, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, nâng cao đời sống, tăng cường sản xuất, giúp các hộ nghèo có sinh kế, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, ông Trần Công Lý cho biết.

Không trông chờ, ỷ lại

Một tín hiệu tích cực đối với công tác giảm nghèo tại Kon Tum là phong trào viết đơn xin thoát nghèo. Trong đó, Đăk Tô là huyện điển hình, khi từ năm 2021 đến cuối năm 2024, đã có hơn 260 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Năm 2024, toàn huyện có 76 đơn xin thoát nghèo, chủ yếu tại các xã Diên Bình và Đăk Trăm.

Điển hình là trường hợp của A Hổ (sinh năm 1997, trú thôn Đăk Rô Ja, xã Đăk Trăm). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, A Hổ đã chủ động học nghề cơ khí rồi đi làm thuê. Năm 2022, khi mới lập gia đình, A Hổ cũng chỉ xây dựng được căn nhà tạm, cùng với canh tác 1,5 sào lúa, kinh tế gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Đầu năm 2024, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực Kon Tum đã hỗ trợ anh 50 triệu đồng. Cùng với gia đình đóng góp, A Hổ đã xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 100 triệu đồng, cải tạo, trồng mới 0,6ha cao su.

Chú thích ảnh
Nhờ sự hỗ trợ 50 triệu đồng của Công ty Điện lực Kon Tum, A Hổ (sinh năm 1997, trú xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã xây dựng được căn nhà khang trang, thoát nghèo năm 2024. 

“Tháng 6/2024 thì nhà tôi xây dựng xong. Có nhà mới rồi, tôi chuyển về làm cơ khí tại nhà. Mọi người trong thôn, trong xã cũng tin tưởng tay nghề nên tôi nhận được nhiều đơn hàng, thu nhập dần tăng lên, hiện được khoảng gần 100 triệu đồng/năm. Thấy đời sống, kinh tế ổn định, cuối năm 2024, tôi đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo để dành sự hỗ trợ lại cho các hộ nghèo khác”, A Hổ tâm sự.

Bà Phạm Thị Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô cho biết, những hộ viết đơn xin thoát nghèo không hẳn đã thực sự hết khó khăn trong cuộc sống mà là họ đã nhận thức được trách nhiệm phải nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại, thể hiện được tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” với những trường hợp còn khó khăn hơn mình. Đây là những tấm gương tốt, để các hộ nghèo khác noi theo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã được thành lập, kiện toàn kịp thời, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối, đảm bảo Chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Chú thích ảnh
A Hổ (sinh năm 1997, trú xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) thu nhập mỗi năm gần 100 triệu từ nghề cơ khí và vươn lên thoát nghèo năm 2024. 

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực từ ba Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu giảm tối thiểu 2,5% hộ nghèo mỗi năm.

“Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và địa phương huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực thuộc Chương trình giảm nghèo; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù; phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện khả năng thụ hưởng, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, Sở tham mưu tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động để nâng mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của hộ trung bình”, ông Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 10/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 68/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN