Thực tiễn hóa nghị quyết
Là một trong những đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà theo Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025, bà Quách Thị Thảo, xã Phú Lộc, huyện Nho Quan tràn đầy niềm vui, hạnh phúc khi mơ ước có được ngôi nhà mới đã trở thành hiện thực. Nhờ kinh phí 100 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể ở thôn và anh em họ hàng, bà Thảo đã mạnh dạn khởi công ngôi nhà mới. Sau hơn hai tháng xây dựng, ngôi nhà đã được hoàn thành trên diện tích hơn 30 m2.
Bà Thảo chia sẻ, là hộ nghèo, đơn thân, bà không có điều kiện để xây nhà mới nên gần 40 năm phải sống trong ngôi nhà đã mối mọt, dột nát, xuống cấp từ lâu. Đây cũng là động lực để bà cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Nho Quan là một trong những huyện có nhiều hộ nghèo được nhận hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh Ninh Bình. Nhờ cách làm thận trọng, khoa học, nên quá trình đưa Nghị quyết 43 vào cuộc sống, huyện đã triển khai đảm bảo dân chủ, công bằng, đúng đối tượng. Trong năm 2023, trên địa bàn huyện đã có 152 hộ gia đình thuộc hộ nghèo, có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ, trong đó xây mới 109 hộ, sửa chữa 43 hộ. Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, trong năm 2024, huyện tiếp tục có 152 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, trong đó 116 hộ xây mới, 36 hộ sửa chữa. Đây chính là kết quả sau hơn 2 năm, Nho Quan thực hiện Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết, việc triển khai Nghị quyết 43 của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng giúp huyện thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao đời sống của nhân dân. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng, trúng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Nghị quyết 43.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 921 hộ nghèo được phê duyệt danh sách hỗ trợ xây mới và sửa chữa với tổng kinh phí 78,6 tỷ đồng; trong đó, 815 căn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Như vậy, chính sách hỗ trợ về nhà ở đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội.
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục bám sát Nghị quyết số 43, đề xuất bổ sung, mở rộng thêm một số nhóm đối tượng để tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành; đồng thời, thường xuyên hướng dẫn các địa phương thực hiện. Đặc biệt, Sở tiếp tục huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, để việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là điểm tựa, đòn bẩy giúp hộ nghèo an cư, tạo động lực cho họ tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nâng cao mức sống cho người có công
Ông Nguyễn Hữu Tình, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn là người có công với cách mạng, thuộc diện hộ nghèo, không được hưởng các loại trợ cấp hằng tháng. Từ khi Nghị quyết 23/2020/NQ-HĐND, ngày 27/5/2020 của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được ban hành, cả ông và vợ đều được nhận được mức hỗ trợ 1,6 triệu đồng/người/tháng. Ông Tình chia sẻ, nhờ số tiền được trợ cấp hằng tháng của tỉnh đúng, đủ theo quy định mà 2 ông bà vơi bớt khó khăn, cải thiện đời sống và có tiền trang trải thuốc thang.
Thời điểm cuối năm 2019, tỉnh Ninh Bình còn 217 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng với 342 khẩu. Đa số đều là hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và không thể tác động bằng chính sách ưu đãi của Nhà nước để thoát nghèo. Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 23 quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ hằng tháng cao hơn mức chuẩn nghèo hiện hành 100.000 đồng/người/tháng. Theo đó, giai đoạn từ 2019 - 2021, mức hỗ trợ ở khu vực nông thôn là 800.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 1 triệu đồng/người/tháng; từ năm 2022 đến nay, mức hỗ trợ lần lượt là 1,6 triệu đồng/người/tháng và 2,1 triệu đồng/người/tháng.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn cho biết, chính sách hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng được cộng đồng dân cư đồng lòng hưởng ứng. Đặc biệt, các đối tượng hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng được thụ hưởng chính sách rất vui mừng và phấn khởi. Nghị quyết ra đời góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đảm bảo 100% hộ gia đình có thành viên là người có công với cách mạng có được mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ cho 1.397 lượt hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hằng tháng với tổng kinh phí gần 26,4 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp các hộ được tiếp cận đầy đủ chính sách, mở ra cơ hội cho người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, việc tham mưu, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cho đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn tại địa phương. Các chính sách đặc thù đáp ứng được mong mỏi của người dân, tạo được phong trào tương thân, tương ái, huy động được sự đóng góp của nhân dân và các nguồn lực khác nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương đánh giá, những Nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành thời gian qua thực sự đã đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên, người dân đánh giá cao bởi tính kịp thời, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thiết thực đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng là động lực để người nghèo yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.