Tại khu vực này thường chịu tác động mạnh của dòng chảy, triều cường lên xuống, kết hợp với số lượng lớn các phương tiện đường thủy có tải trọng lớn lưu thông qua lại ngày, đêm đã gây ra sạt lở từ nhiều năm qua. Đặc biệt trong hai năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn, mép bờ sông hiện bị lấn sâu vào bên trong từ 1 - 2m, tổng chiều dài các điểm sạt lở nghiêm trọng khoảng 125 m,
Các vị trí sạt lở có nguy cơ làm sạt lở đất, sập đổ nhà ở và thiệt hại tài sản, nguy cơ mất an toàn tính mạng của một số nhà dân đang sinh sống trong khu vực. Các vị trí này đã được chính quyền địa phương, người dân nhiều lần chủ động gia cố, xử lý chống sạt lở để bảo vệ nhưng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra. Khu vực sạt lở bờ sông Kênh Hàn làm ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 20 hộ dân với 80 người dân sinh sống sản xuất, kinh doanh.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Long An yêu cầu UBND huyện Cần Giuộc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm; đồng thời, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.
Các đơn vị, địa phương cần thực hiện xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; huy động mọi nguồn lực để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng, chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai.