Đang tất bật chăm sóc chậu hoa cúc đại đóa mới xuống giống, chị Nguyễn Thị Thìn, khu phố Hải Dinh, phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa chia sẻ, chị bắt đầu xuống giống hoa cúc đại đóa loại chậu lớn (60cm trở lên) từ đầu tháng 9. Gia đình chị nhiều năm nay chuyên trồng các loại hoa phục vụ Tết như: cúc đại đóa, pha lê, hoa hồng… Năm nay, diện tích xuống giống đã giảm số lượng chậu nhất là số lượng chậu lớn, vì năm ngoái sức tiêu thụ hoa rất chậm, gia đình chị phải chở hoa đi tận Đồng Nai để bán mới có thể tiêu thụ hết được.
Còn ông Trần Đình Dũng, cùng ngụ phường Kim Dinh, đang tất bật cho đất đã trộn với trấu và phân hoai mục vào từng chậu để trồng cúc đại đóa loại chậu nhỏ. Ông chia sẻ, năm nay gia đình ông phải giảm đến 50% số chậu do vụ hoa Tết năm ngoái bán quá ế ẩm. Năm nay gia đình ông cũng chú trọng trồng hoa trong chậu loại nhỏ với hy vọng sẽ dễ bán hơn.
Tại phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa, làng hoa lâu đời nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến thời điểm hiện tại bà con nông dân đã xuống giống được khoảng 80%.
Theo anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp hoa Kim Dinh, phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa chia sẻ, do vụ hoa Tết năm vừa qua sức tiêu thụ hoa Tết tại làng hoa Kim Dinh rất chậm, nhiều nhà vườn phải chở đi xa mới có thể bán hết được, thậm chí nhiều nhà vườn không tiêu thụ hết phải đập bỏ. Chính vì vậy, năm nay bà con đã giảm mạnh diện tích trồng hoa.
Cụ thể, nếu như năm ngoái cả phường có khoảng hơn 22 ha diện tích trồng hoa, thì đến thời điểm này chỉ có khoảng 12 ha/40 hộ. Ngoài 2 loại hoa bà con chủ yếu trồng là cúc đại đóa, phê lê, bà con làng hoa Kim Dinh còn trồng thêm nhiều loại hoa khác như: mào gà, cẩm chướng, ly, cẩm nhung, hồng, hướng dương, cúc nhật, dạ yến thảo, dừa cạn….
Những loài hoa này, khoảng thời điểm cuối tháng 9 dương lịch bà con mới bắt đầu xuống giống, do thời gian ngắn ngày hơn 2 loại cúc đại đóa và pha lê.
Còn tại làng hoa xã Láng Lớn, huyện Châu Đức năm nay cũng rất nhiều bà con trồng hoa giảm số lượng chậu, nhất là các loại chậu lớn. Hiện nay, toàn xã có khoảng 10 ha, trồng khoảng 100.000 chậu hoa phục vụ Tết Nguyên đán, giảm khoảng 15 - 20% so với vụ hoa Tết năm ngoái.
Đây là làng hoa mới hình thành tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng gần 10 năm trở lại đây. Tại làng hoa này, bà con chủ yếu trồng các loại hoa cúc đại đóa, cúc pha lê và hoa hồng. Việc trồng hoa phục vụ thị trường Tết nhiều năm nay đã đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân.
Đang tất bật xúc từng xẻng đất đã trộn trấu và phân hoai mục vào xe rùa để đổ đến từng chậu đã xếp ngay hàng thẳng lối, bà Nguyễn Thị Kim Xuân, ngụ thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức chia sẻ, do năm ngoái đến tận 29 Tết gia đình bà mới có thể tiêu thụ được hết số hoa trong vườn thay vì như mọi năm là khoảng 20 Tết là có thể tiêu thụ hết, năm nay bà vẫn cố gắng duy trì nghề nhưng bà cũng đã giảm khoảng hơn 500 chậu hoa so với vụ hoa Tết năm ngoái, với 1.600 chậu cúc đại đóa và pha lê.
Theo bà Xuân, bà cũng muốn giảm số lượng chậu để tập trung chất lượng cho cây hoa, với hy vọng giá bán sẽ được cao hơn và tiêu thụ dễ dàng hơn. Việc giảm số lượng chậu, bà Xuân cũng sẽ lấy công làm lãi, không phải thuê mướn thêm nhân công, nhờ đó, gia đình bà cũng sẽ giảm được tiền chi phí trong vụ hoa Tết này.
Nhiều nông dân chia sẻ, trồng cúc bán Tết khá vất vả và mất rất nhiều công sức. Từ khi xuống giống đến lúc có hoa cúc bán phải mất hơn 5 tháng. Những chậu cúc đạt chất lượng đòi hỏi bông to, hoa nở đều vào đúng dịp Tết. Chính vì vậy, người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và phải biết áp dụng kỹ thuật chong đèn cho cây vào ban đêm để kích thích sinh trưởng, phát triển đồng đều và điều chỉnh thời gian ra hoa theo ý muốn.
Do khá vất vả, nên người trồng hoa Tết rất kỳ vọng vào đầu ra, giá bán ổn định để có thêm thu nhập vào những ngày cuối năm.