Phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, đối với việc phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Cà Mau phấn đấu đến năm 2030, thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp; tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đến năm 2030, tại Cà Mau, khoảng 70% hoạt động kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đang thực hiện khoảng 1.800 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực. Thực hiện lộ trình số hóa, Trung tâm đặt mục tiêu đến hết năm nay, 100% hồ sơ được số hóa. Các dữ liệu hồ sơ sẽ được đưa vào hệ thống, xác thực và kết nối để người dân khi đến làm các thủ tục hành chính tại trung tâm vào những lần sau sẽ có thể sử dụng lại mà không phải cần phải nộp thêm các giấy tờ đã có giao dịch tại bộ phận một cửa trước đó, tạo thuận lợi đáng kể cho người dân và doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính.
Liên quan đến chương trình chuyển đổi số từ khía cạnh phát triển kinh tế số, xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thương mại điện tử, ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau thông tin, hiện nay toàn bộ ấn phẩm, tài liệu đều đã được thực hiện số hóa trên hệ thống thông tin website của trung tâm. Trung tâm đang chuẩn bị nền tảng cơ bản cho thương mại điện tử, xây dựng sàn thương mại điện tử Madeincamau.com. Sàn này đang được chạy thử nghiệm và đăng ký với Bộ Công Thương để sớm chính thức đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
Linh hoạt các giải pháp
Đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thói quen sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, tỉnh Cà Mau đang đề ra nhiều giải pháp phù hợp, đồng bộ.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đen, thời gian tới, Cà Mau tập trung phát triển nền tảng “Ứng dụng CaMau-G” trên thiết bị di động, cho phép cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp có thể định danh trên không gian số và sử dụng mọi dịch vụ chính quyền điện tử, chính quyền số, các dịch vụ, tiện ích trong kinh tế số, xã hội số mọi lúc, mọi nơi. Tỉnh triển khai ứng dụng “Phản ánh hiện trường” trên nền tảng thiết bị di động nhằm cung cấp giao diện chức năng dành cho người dân, doanh nghiệp trong tỉnh gửi các phản ánh, kiến nghị các vấn đề trong xã hội, có thể đính kèm hình ảnh, video, vị trí, thông tin người phản ánh giúp cơ quan xử lý có đủ thông tin để thực hiện nghiệp vụ.
Cà Mau tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, cụ thể là hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu có năng lực tính toán cao và được kết nối đồng bộ để phục vụ các hệ thống thông tin của tỉnh, ổn định, dựa trên công nghệ điện toán đám mây. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet của tỉnh sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).
Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số. Tỉnh xây dựng, phát triển bền vững hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục phát triển mở rộng vùng phủ sóng 4G, nâng cao tốc độ tải dữ liệu, hướng đến cung cấp dịch vụ 5G tại các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hạ tầng viễn thông quan trọng, thiết yếu được nâng cấp đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước hết là hạ tầng trọng yếu.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Cà Mau, tỉnh chú trọng tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức hằng năm để sẵn sàng chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, tỉnh Cà Mau nêu ý kiến với Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Chính phủ giao Bộ Nội vụ xây dựng quy định cụ thể chức danh công chức công nghệ thông tin, đảm bảo mỗi cơ quan có ít nhất một cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và an toàn thông tin.
Hiện ở Cà Mau chưa có bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin mà chủ yếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin kiêm thêm nhiệm vụ an toàn thông tin, nên khi tổ chức thực hiện các nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cả tỉnh chỉ có 29 cán bộ, công chức chuyên trách công nghệ thông tin được phân bổ ở cấp tỉnh và cấp huyện, ở cấp xã không có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này.