Bí quyết để Quảng Ninh đạt kỷ lục 7 năm dẫn đầu PCI

Quảng Ninh đã 7 năm liên tục giữ vững vị trí quán quân PCI. Đây là kỷ lục mà cho đến nay Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong toàn quốc đạt được. Đây còn là kết quả cho một hành trình với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kiên trì thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh suốt nhiều năm qua. 

Kiên trì hành trình cải cách

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 71,25 điểm.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp (2017-2023) tỉnh giữ vị trí quán quân PCI và 11 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Những dấu ấn nổi bật thể hiện trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần Chi phí thời gian của Quảng Ninh đạt điểm số cao nhất cả nước. Cùng với đó, các chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí không chính thức cũng đứng top đầu.

Đối với Quảng Ninh, ngay từ những năm đầu tiên tham gia PCI, tỉnh đã dành nhiều tâm huyết và quan tâm đến nội dung này. Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong nước đưa mục tiêu “Hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI” vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Những nỗ lực của Quảng Ninh trong xây dựng chính quyền “Liêm chính - Hành động - Phục vụ - Kiến tạo - Phát triển” đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân tin tưởng, đánh giá cao, được lựa chọn để trao gửi niềm tin và đồng hành cùng tỉnh phát triển.

Chú thích ảnh
Quảng Ninh dẫn đầu cả nước Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2023.

Điều này minh chứng rõ nét khi 10 năm liên tiếp (2013-2022), Quảng Ninh trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; 6 năm liên tục (2017-2022) giữ vị trí quán quân Chỉ số PCI. Đây cũng là giai đoạn kinh tế tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 11,03%, Quảng Ninh duy trì năm thứ 9 liên tiếp (2015-2023) đạt mức tăng trưởng hai con số, gấp đôi bình quân chung cả nước, cao nhất Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc.

Chia sẻ về hành trình Quảng Ninh kiên định và quyết tâm kiến tạo những giá trị mới để khẳng định vị thế trong mắt cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nhận định, không phải dễ để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm nhận và liên tục đánh giá Quảng Ninh là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế và năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước trong khoảng thời gian liên tục như vậy.  

Thời gian qua, Quảng Ninh đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông, tổng thể từ hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng KKT, KCN…

Đặc biệt, tỉnh đã khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân bằng việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, trực tiếp thông qua các hội nghị do tỉnh, các bộ, ngành Trung ương tổ chức để quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư - kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư, các cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh. Tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể để giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị.

Nhờ có cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh đã thu hút được hàng chục nghìn tỷ đồng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó, vốn xã hội hóa chiếm trên 75% từ khu vực doanh nghiệp tư nhân. Những công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn; các khu dịch vụ du lịch phức hợp, quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái đều mang dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tất cả đều đến từ những thương hiệu lớn của đất nước như Vingroup, Sun Group, BIM Group, Tuần Châu.

Với những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2017-2023, toàn tỉnh có 10.555 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 1,7 lần mức trung bình giai đoạn 2011-2016, riêng trong quý I/2024 toàn tỉnh có thêm 510 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Qua đó, nâng tổng số doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh lên 16.981 doanh nghiệp và chi nhánh đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt 346.642  tỷ đồng. Trong đó có hơn 300 doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, tăng 50% so với năm 2015 (trước khi có Nghị quyết số 10-NQ/TU).

Chú thích ảnh

Giữ vững thương hiệu dẫn đầu PCI

Ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh rất phấn khởi, vinh dự, tự hào khi tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá là địa phương giữ vị trí quán quân về Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2023. Đây là năm thứ 7 liên tiếp (từ 2017-2023), Quảng Ninh giữ vị trí Quán quân PCI và 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, năm thứ 2 nằm trong nhóm dẫn đầu Chỉ số PGI. Kết quả này là hội tụ niềm tin, là phần thưởng trân quý từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh, trong giải quyết những thách thức lớn toàn cầu trong đó có các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thứ hạng PCI vừa là động lực cho phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với tỉnh bởi Quảng Ninh hiểu rõ, giành được vị thế, thứ hạng PCI đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng PCI càng khó khăn hơn. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định trên hành trình cải cách, những nỗ lực phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà luôn nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số toàn diện để tăng tính công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng số tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Tỉnh cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai bình đẳng, tháo gỡ ách tắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm rủi ro chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng liên kết vùng, hạ tầng năng lượng, chuyển đổi số, khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp thẩm quyền về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao gắn với các điều kiện đảm bảo an sinh, an ninh, an toàn.

Cùng với đó, tỉnh sẽ đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả khâu tổ chức thực hiện có ý nghĩa quyết định gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Tăng cường đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, triệt để xóa bỏ tình trạng gây phiền hà, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân. 

T.T/Báo Tin tức
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao chỉ số PCI
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao chỉ số PCI

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị đánh giá các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh như Par Index, PAPI… để có các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN