No bản, ấm mường Điện Biên

Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 20 km về phía tây bắc theo quốc lộ 12, xã biên giới Mường Pồn, huyện Điện Biên (Điện Biên) là mảnh đất lịch sử ghi dấu một thời lửa đạn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vùng đất này đã vươn lên từ vết thương chiến tranh, đổi thay từng ngày.

Mường Pồn đã đổi thay với những ngôi nhà mái ngói sát quốc lộ 12.


Đến bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn hôm nay, từ những cụ già đến các em nhỏ, chẳng ai không biết đến Anh hùng Bế Văn Đàn. Chẳng phải là vì nơi đây có đài tưởng niệm về người Anh hùng này, mà đã từ lâu, người dân nơi đây coi Anh hùng Bế Văn Đàn chính là “vị thần” hộ mệnh cho cả bản làng, mang lại cho họ cuộc sống yên bình. Những bậc cao niên trong bản vẫn truyền lại cho con cháu mình câu chuyện về Anh hùng Bế Văn Đàn như những sự nhắc nhở các thế hệ sau không quên công ơn những người đã ngã xuống để đổi lấy sự bình yên cho bây giờ.


Theo những người lớn tuổi trong bản Mường Pồn 1 kể lại, sau chiến tranh, cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Một mảnh đất với ngổn ngang vết tích bom đạn, đời sống của người dân chỉ dựa vào sắn dại và măng rừng. Nhưng bằng ý chí của nhân dân và những chính sách chăm lo cho đời sống nhân dân mà Đảng và Nhà nước thực hiện, người dân Mường Pồn đã quyết tâm bám trụ với mảnh đất tan hoang vì khói đạn chiến tranh này. Chính quyền và nhân dân xã Mường Pồn nói chung và bản Mường Pồn 1 nói riêng, bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế.


Trên quốc lộ 12 uốn mình qua núi đồi, thôn bản, chiến trường Mường Pồn năm nào nay đã bạt ngàn nương ngô, hay những cánh đồng lúa xanh mướt vươn mình trong nắng sớm. Bản Mường Pồn 1, với 100% là đồng bào dân tộc Thái, có hơn trăm nóc nhà, đa phần đã được ngói hóa kiên cố. Bản có gần 110 hộ với hơn 500 nhân khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2013, bản đã xóa được 3 hộ nghèo, giảm số hộ nghèo trong bản xuống còn 24 hộ.


Từ quyết tâm xây dựng nông thôn mới theo đường lối của Đảng và Nhà nước, đưa nền kinh tế khởi sắc theo từng năm, chính quyền xã Mường Pồn đã tập trung phát triển kinh tế, đưa đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Tổng sản lượng lương thực trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 430 tấn, vượt chỉ tiêu huyện giao gần 10%. Ngoài ra, xã còn chú trọng phát triển sản xuất lúa nương, mở rộng diện tích trồng ngô, sắn và dong, riềng… trong đó nổi bật là diện tích trồng sắn đạt gần 105 ha, vượt chỉ tiêu của huyện giao 90%. Bên cạnh đó, xã cũng hướng dẫn nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, thủy sản đạt kết quả cao. Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm của xã đạt hơn 30 ha, bằng gần 200% chỉ tiêu huyện giao.


Song song với việc phát triển kinh tế, với đặc thù là xã biên giới giáp với nước bạn Lào, công tác quốc phòng - an ninh của xã luôn được đảm bảo giữ vững. Chính quyền xã chú trọng chăm lo đời sống nhân dân, nâng cao trình độ dân trí. Hiện nay, toàn xã có 5 trường học, trong đó có trường tiểu học trung tâm đạt chuẩn quốc gia; trường THCS Mường Pồn cũng được đầu tư xây dựng khang trang, đảm bảo cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục cho học sinh đến trường, lớp đúng độ tuổi. Tình trạng thất học, bỏ học hầu như đã không còn.


Ông Lò Văn Liến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, cho biết: Xã có 11 thôn, bản với gần 4.500 nhân khẩu đang sinh sống. Là xã biên giới, lại chịu vết thương của chiến tranh, nên đời sống của nhân dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền huyện và nỗ lực của Đảng bộ xã và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Mường Pồn đã vươn lên về mọi mặt. Trong đó Mường Pồn 1 là bản tiêu biểu trong xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, là bản văn hóa tiên tiến.


Từ một trận địa sinh tử, vết thương chiến tranh ở Mường Pồn nay đã không còn mà thay vào đó là sự thay da đổi thịt. Những ngôi nhà san sát kề nhau, sau hàng cây là những ngôi trường, trạm xá, nhà văn hóa… đã minh chứng cho sự vươn lên trong thời đại mới của mảnh đất lịch sử này.


Bài và ảnh: Xuân Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN