Người Lào ở Nà Tăm đồng lòng hiến đất, mở đường

"Bà con dân tộc Lào nơi đây rất đoàn kết, đến nay nhận thức đã tiến bộ, thay đổi nhiều", ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Nà Tăm, huyện Tam Đường (Lai Châu) nói ngắn gọn như vậy rồi mời luôn chúng tôi đi thực tế xuống các bản.

Đường vào bản Nà Luồng đang "đợi" xi măng về để bê tông hóa.

Đề xe tay ga nổ, ông Chủ tịch UBND xã nhận đèo một đồng nghiệp của tôi. Thú thật, ngay lúc ấy tôi hơi ái ngại, nghĩ: “Đi xe tay ga vào bản ư?". Nhưng theo chân ông một vòng tôi mới vỡ lẽ, đường vào các bản của xã đã "ngon" lắm rồi. Từ xã vào 4 trong tổng số 9 bản của xã, đã có đường đổ bê tông. 8 bản đã có đường đi lại "ngon" vào cả hai mùa mưa, nắng... Dừng xe trước bản Nà Luồng (xã Nà Tăm), lối rẽ vào bản, chỉ đoạn đường dài hơn một nghìn mét vẫn còn nổi rõ hai màu xanh, trắng, ông Quân tâm sự: "Chúng tôi đang đợi huyện cho tí xi măng nữa là xong thôi".

Hóa ra hai màu xanh, trắng trên con đường chạy dọc vào bản Nà Luồng này, một phần là đất đường cũ cỏ mọc xanh rõ lối, còn ba phần là màu đất mới đắp thêm. Ông Lò Văn Điếng, Trưởng bản Nà Luồng phấn khởi: "Mấy ngày nữa có xi măng về là bản chúng tôi làm đường. Tết này có đường bê tông đi rồi!". Đoạn đường vào bản Nà Luồng có tổng chiều dài 1,7 km đã được bà con trong bản thống nhất tự nguyện hiến đất mở rộng ra gấp 3 - 4 lần. Phần mặt bằng đã được bà con tự bỏ công lao động làm xong gần một tháng nay và đang sẵn sàng cát, sỏi.

Lúc đầu phát động cũng có một vài người nằng nặc đòi phải bồi thường giải tỏa, nhưng sau nhà nào cũng thông. “Không vì cái lợi trước mắt, phải nghĩ cho con cháu sau này", nên đường vào đất nhà nào, nhà ấy vui vẻ hiến. Riêng gia đình ông Trưởng bản Lò Văn Điếng là hộ đi tiên phong, hiến nhiều đất nhất, tới hơn 200 m chiều dài, chiều rộng không tính. Ông Điếng còn cho biết thêm, để làm đoạn đường này, người dân trong bản đã hiến tất cả 0,3 ha đất ruộng hai vụ và 0,28 ha đất vườn, đất thổ cư và đất rừng.

Nà Tăm là một trong những xã vùng cao của huyện Tam Đường, có hơn 600 hộ với hơn 3.200 khẩu. Trừ các thầy, cô giáo và một vài cán bộ xã người Kinh ra, còn lại bà con nơi đây đều là dân tộc Lào. Theo dự thảo báo cáo năm 2011 của UBND xã, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn trên 70%. Thời gian gần đây, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, từ cấp ủy, chính quyền đến người dân nơi đây đã mạnh dạn, quyết tâm đầu tư vươn lên xóa đói giảm nghèo. Nhiều chương trình hành động mang tính đột phá của xã đã được người dân nhiệt tình ủng hộ.

Mở rộng, phát triển mạng lưới giao thông trong xã là một trong số các chương trình như vậy. Chỉ từ năm 2010 đến nay, xã Nà Tăm đã vận động được bà con toàn xã sẵn sàng hiến đất, bỏ công lao động lấy cát, sỏi, tự làm đường nối liền các bản, với xã. Tổng chiều dài 3 km đường bê tông vào 4 bản Coóc Cuông, Nà Tăm, Nà Vàn, Phiêng Giằng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2011, đều trên cơ sở ấy. Đồng thời đến năm 2012, xã Nà Tăm đã đặt mục tiêu "đường từ trục giao thông liên xã xuống các bản được rải nhựa hoặc đổ bê tông đạt 70%/tổng số bản".

Đến năm 2013, xã phấn đấu bê tông hóa toàn bộ đường vào các bản... Ông Chủ tịch UBND xã cuối buổi đi thực tế các bản mới bật mí với chúng tôi: "Ngoài kiên trì vận động bà con, cấp ủy, chính quyền xã chúng tôi xác định, thống nhất ưu tiên đầu tư các chương trình cho bản nào sớm có đường bê tông vào bản". Trên cơ sở có giao thông thuận lợi, xã mới có điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, cũng là hướng vào xây dựng các chỉ tiêu theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.


Bài và ảnh: Nguyễn Công Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN