Ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc' xuân Kỷ Hợi

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” xuân Kỷ Hợi sẽ diễn ra từ ngày 12 - 13/2 (tức ngày mùng 8-9 tháng Giêng âm lịch) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Trong ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng xuân nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, phát huy sức mạnh nội lực của các chủ thể văn hóa và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mang đến phong vị Tết cổ truyền dân tộc cho khách du lịch những ngày đầu xuân.

Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” có sự tham gia của 200 đồng bào thuộc 25 cộng đồng dân tộc (trong đó có 14 cộng đồng đang hoạt động hàng ngày tại Làng) của 17 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền. Trong số này có 22 người có uy tín (nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) của 11 cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người, khu vực biên giới gồm dân tộc Si La, Cống, Lự, La Hủ (Lai Châu), Bố Y, La Chí, Pu Péo (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An), Chứt (Quảng Bình), Brâu, Rơ Măm (Kon Tum).

Vào ngày 12/2 (8 Tết), sẽ diễn ra chương trình “Bài ca Mừng Đảng - Mừng Xuân - Mừng Đất nước đổi mới”, chúc Tết đồng bào các dân tộc. Những người tham gia hoạt động này sẽ cùng tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân. Tiếp đó là phần tái hiện lễ hội Aza koonh của dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế; trồng cây lưu niệm tại Làng dân tộc Tà Ôi,  góp phần tạo cảnh quan đặc sắc với các loại cây đặc trưng của vùng đất Thừa Thiên - Huế nơi những người con Tà Ôi mang họ Hồ sinh sống trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng; phần biểu diễn nghệ thuật với các bài hát, điệu múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ và mùa xuân.

Lễ hội Aza koonh của dân tộc Tà Ôi là lễ hội tiêu biểu nhất, thường diễn ra sau dịp Tết âm lịch hàng năm nhằm tạ ơn trời đất đã ban cho buôn làng mùa màng bội thu, người người no đủ, nhà nhà an vui. Lễ hội Aza koonh thể hiện gần như đầy đủ các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc Tà Ôi, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong phần hội, không khí mùa xuân sẽ rộn ràng cùng với tiếng dệt Zèng thoăn thoắt của các cô gái Tà Ôi, tiếng giã bánh giày (a jưh), điệu múa Tung tung ya yá…

Ngày 13/2, tại Làng dân tộc Dao, Khu các làng dân tộc I, Ban tổ chức giới thiệu tới công chúng nghi lễ đón Tết (trích đoạn Tết nhảy) của đồng bào dân tộc Dao. Hàng năm, ở các bản người Dao còn có một ngày Tết rất độc đáo, đó là Tết nhảy. Tết nhảy chỉ làm ở “nhà cái” (con trưởng, trưởng họ) tùy hoàn cảnh từng người để chọn năm tổ chức, thường vài năm làm một lần, nhưng không quá 10 năm. 

Sau khi làm lễ cúng tri ân gia thần, gia tiên, thổ công, thần linh, chúa đất... gia chủ mời mọi người ăn cơm thịt, uống rượu hoẵng, rồi bắt đầu nhảy múa theo bài bản quy định, mạnh mẽ, hùng dũng, quyết liệt. Đây là phần nội dung quan trọng, gọi là Tết nhảy đúng như đã hứa với trời đất cho thoát hiểm dịp đi tìm đất ngày xưa. Con cháu trong họ hồ hởi, tập trung, liên tục, luân phiên nhau nhảy múa văn, múa võ, múa chuông, múa rùa, chạy cờ trong mấy ngày Tết. 

Trong đó, múa văn là biểu tượng con cháu mời ông bà, gia tiên về vui Tết, phù hộ cháu con ăn nên làm ra. Múa võ là tái hiện tích ông Hành, ông Hộ vất vả, gian lao chống chọi với thiên nhiên, giặc dã, thú dữ trong những năm tháng đi tìm đất. Múa rùa là kính báo với 9 phương trời, 10 phương đất, chư Phật cùng Long vương về thực tế cuộc sống người Dao, cầu mong được các đấng thần linh che chở. Múa chạy cờ biểu tượng cho việc tập hợp lực lượng tiến quân, thu quân, đề cao ý thức cộng đồng đoàn kết thực hiện mọi lệ ước dân bản đặt ra, phép công Nhà nước để tồn tại, phát triển như các dân tộc anh em. 

Điệu múa nhảy nào cũng kéo dài, cần người khỏe mạnh thay nhau tham gia, có nhiều nhạc cụ trống chiêng và không thể thiếu chiếc chuông nhỏ trên tay, vừa nhảy vừa lắc nhịp nhàng theo bàn tay giơ cao, hạ thấp, tạo nên thứ âm thanh náo nhiệt, rộn ràng, khỏe khoắn, thu hút nhân tâm.

Thanh Giang (TTXVN)
Sắc Xuân ngập tràn giữa biển trời Trường Sa
Sắc Xuân ngập tràn giữa biển trời Trường Sa

Còn vài ngày nữa sẽ bước sang năm Kỷ Hợi 2019, khắp các điểm đảo ở Trường Sa, sắc Xuân đã ngập tràn, len lỏi theo những bước chân tuần tra của các chiến sĩ Hải quân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN