Mang hơi ấm đến vùng giá rét

Những ngày đầu năm 2013, chúng tôi theo chân đoàn công tác cứu trợ của tỉnh Lạng Sơn đến với xã Công Sơn, huyện Cao Lộc có độ cao gần 1.300 mét, cũng là vùng bà con dân tộc thiểu số còn khó khăn nhất của tỉnh Lạng Sơn, càng thấm thía sự sẻ chia, giúp đỡ người dân nơi đây vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

 

20 hộp cao sao vàng cho... 257 hộ dân


Xã Công Sơn nằm heo hút sát đỉnh Công Sơn, đường đi lên chỉ là một khe hẹp. Suốt hành trình gần 10 km đường lổn nhổn toàn đá hộc và bùn lầy; một bên là vực, một bên là vách núi, đoàn xe cứu trợ của tỉnh Lạng Sơn nối đuôi nhau nhích từng mét, mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tới được UBND xã.


 

Nằm ở trung tâm thôn Nhọt Nặm, trụ sở UBND xã Công Sơn là một dãy nhà cũ với vài bộ bàn ghế ọp ẹp, bên cạnh là phòng dùng làm Trạm y tế xã với những trang thiết bị nghèo nàn lạc hậu như máy đo huyết áp. Chiếc máy vi tính duy nhất đã cũ chỉ dùng để in văn bản vì nơi đây không có đường truyền Internet, sóng 3G cũng không bắt được... Chị Bàn Thi Viên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Công Sơn cho biết: “Trạm y tế xã vẫn còn thiếu nhiều lắm, ngay những loại thuốc thông dụng như dầu xoa, dầu gió cho bà con trong tiết trời rét như thế này cũng rất ít. Xã có 257 hộ dân nhưng cả trạm chỉ có 20 hộp cao sao vàng, nên chúng tôi phải dùng tiết kiệm, ưu tiên phát trước cho những hộ nghèo, người già cô đơn. Gia đình nào có người ốm, người già và trẻ nhỏ tạm thời phát trước một hộp dùng chung nhau, cũng chỉ cố gắng trước mắt như vậy thôi”.


Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, do nằm trên sườn núi nên đất làm ruộng không có, người dân chỉ có thể tận dụng những mảnh đồi hẹp làm ruộng bậc thang với diện tích ít ỏi để trồng ngô và đi rừng. Ông Triệu Sáng Phúc, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Hiện toàn xã vẫn còn 70% hộ nghèo và mới chỉ có 20% số hộ được sử dụng điện sinh hoạt; các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở vẫn phải học chung một điểm trường. Thu nhập không có nên cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, lo ăn từng bữa, vì vậy cách chống rét cũng chỉ là những bếp củi trong mỗi gia đình.

 

Hơn 1.000 chăn ấm giúp người nghèo chống rét


Đến với xã Công Sơn lần này, đoàn cứu trợ tặng 10 suất quà gồm chăn, áo, mũ, ủng, trị giá 1,3 triệu đồng/suất cho những gia đình khó khăn nhất. Khi nhận được tin chúng tôi đến tặng quà, bà Hoàng Mùi Liều, dân tộc Dao, năm nay 63 tuổi, thuộc một trong những hộ khó khăn nhất của xã, phấn khởi nói: “Được thế này vui lắm, đây là lần đầu tôi có áo mới, ủng mới. Trời rét thế này cũng không sợ, mai lại lên nương tỉa bắp được rồi”.


Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Lạng Sơn, từ đầu tháng 1 đến nay, Ủy ban đã phát động quyên góp mua được hơn 1.000 chăn ấm, gần 900 bộ quần áo mới, cùng hàng trăm đôi ủng, tất, khăn, mũ..., với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng để trao tặng cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách, người có công, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các em học sinh tại các trường học có bán trú trên toàn tỉnh. Riêng hai xã Mẫu Sơn và Công Sơn (huyện Cao Lộc) và xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) là những địa phương khó khăn nhất đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn tổ chức quyên góp được gần 400 triệu đồng để mua quần áo, chăn ấm hỗ trợ người dân.


Không chỉ các cấp, các ngành vào cuộc, mà phong trào “tương thân tương ái” còn được các trường phát động mạnh mẽ và được các em học sinh nhiệt tình ủng hộ giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn ngay trong trường của mình. Ông Lê Xuân Trường, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho biết: Tuy số tiền các em quyên góp không nhiều như các trường ở huyện Hữu Lũng quyên góp được 800.000 đồng, nhưng đã giúp các em có được tinh thần “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ những bạn học còn khó khăn. Vẫn còn đó những khó khăn nhưng những chiếc chăn, chiếc áo, đôi ủng…, phần nào giúp người dân nơi đây có thêm hơi ấm, thấm đượm nghĩa tình.

 

Hoàng Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN