Làng người Dao ổn định cuộc sống ở Tây Nguyên

Sau nhiều năm chật vật sinh kế, không có chỗ ở ổn định, đến nay 43 hộ dân người dân tộc Dao từ phía Bắc di cư vào Tây Nguyên đã dần ổn định cuộc sống tại làng Lơ Bơ, xã Chư Krey, huyện Kông Chro (Gia Lai).

Trước đó, từ năm 2009, các hộ dân người Dao này từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào các vùng núi, sâu xa của huyện Kông Chro để làm ăn, sinh sống. Ngoài những gia đình có điều kiện mua nhà, đất để ổn định cuộc sống, còn lại hàng chục hộ dân vì điều kiện kinh tế khó khăn phải ở lại trên nương rẫy, lang thang đi làm thuê kiếm sống, con cái không được đến trường, đời sống vật chất khó khăn, thiếu thốn…

Chú thích ảnh
Bể nước sạch của làng đã được đầu tư giúp người dân làng Lơ Bơ có nước sinh hoạt ổn định. 

Năm 2018, tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Dự án đầu tư bố trí dân di cư tự do làng Lơ Bơ, xã Chư Krey, huyện Kông Chro cho 43 hộ dân người dân tộc Dao với kinh phí 3,7 tỉ đồng trên diện tích 2,7 ha. 

Nhờ vậy, bà con người Dao nay đã có chỗ ở ổn định, có điện thắp sáng, đường bê tông đến tận ngõ xóm, con cái được đến trường học chữ. Do có những nét văn hóa riêng nên tại khu tái định cư này, 43 hộ dân người Dao cũng được chính quyền tỉnh Gia Lai xây dựng một nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Điều vui nhất của bà con người Dao nơi đây là đã hòa nhập được với văn hóa dân tộc Bahnar địa phương, hòa thuận, đoàn kết cùng nhau phát triển.

Anh Triệu Tài Hùng, đại diện các hộ người Dao tại làng Lơ Bơ, xã Chư Krey, cho hay: Cuộc sống của 43 hộ người Dao trong làng nay đã đi vào nề nếp. Chính quyền tỉnh Gia Lai cấp đất ở, cấp đất sản xuất, làm đường đi, kéo điện lưới để bà con ổn định cuộc sống. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện để chúng tôi có cuộc sống tốt hơn. Trước đây, do còn nhiều bất cập trong việc giao thoa văn hóa hai dân tộc Dao và Bahnar nhưng nay, nhờ chính quyền địa phương đến tuyên truyền mà chúng tôi đã không còn xảy ra mâu thuẫn.

Trước đây, các hộ dân người Dao sống rải rác tại nhiều vùng khác nhau trên địa bàn huyện Kông Chro, cuộc sống bấp bênh. Nay được về làng tái định cư, cách trung tâm huyện khoảng 4 km nên 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, 100% hộ sử dụng điện, nước sạch để sinh hoạt. Đặc biệt, con đường lầy lội lúc xưa nay được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông nên khi vận chuyển nông sản đi bán đỡ vất vả hơn. Là vùng sâu, vùng xa nhưng làng tái định cư này vẫn được Nhà nước bố trí 4 bể nước sạch để cộng đồng sinh hoạt chung.

Sau hơn 1 năm ổn định nơi ở, phát triển sản xuất, bà con làng tái định cư này đã trồng mới được hơn 8 ha cây lương thực và trồng mới được khoảng 21 ha cây công nghiệp để phát triển kinh tế gia đình. Trong tổng số 43 hộ dân này, chỉ còn 5 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người khoảng 11,8 triệu đồng/người/năm.

Ông Khương Đình Huy, chủ tịch UBND xã Chư Krey, huyện Kông Chro cho biết: Hiện, cuộc sống bà con 43 hộ người Dao này đã dần đi vào ổn định. Bà con chủ yếu tập canh tác các loại cây như lúa, tiêu, cà phê để phát triển sản xuất trên 300 ha đất được chính quyền cho phép sản xuất. Khi mới vào làng tái định cư, do các hộ dân này có nhiều nét văn hóa khác biệt so với dân bản địa là người Bahnar nên thỉnh thoảng có xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động và tạo cơ hội để hai nền văn hóa có nhiều dịp giao lưu, học hỏi nên nay mọi người đã chung sống hòa thuận cùng nhau.

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 cả nước, đất đai còn nhiều, đây cũng là nơi các dân tộc phía Bắc dời về lập nghiệp. Được biết, ngoài 43 hộ dân tộc người Dao tại làng Lơ Bơ, xã Chư Krey đã dần ổn định cuộc sống, huyện Kông Chro còn 57 hộ của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái… vẫn đang ở rãi rác tại các vùng đất sản xuất trồng trọt của 5 xã trên địa bàn.

Hiện tại, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro đã có đề xuất, kiến nghị với UBND huyện và các cơ quan liên quan việc tiếp tục bố trí, xây dựng một khu tái định cư mới cho 57 hộ dân di cư tự do này nhằm tạo điều kiện ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân, đồng thời, đảm bảo an ninh, chính trị, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Đặc sắc trang phục của người Dao Đỏ ở Tuyên Quang
Đặc sắc trang phục của người Dao Đỏ ở Tuyên Quang

Trong sinh hoạt và lao động sản xuất, đồng bào Dao Đỏ ở Tuyên Quang đã gìn giữ, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt, trong đó có trang phục truyền thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN